Được các vườn thú, Hiệp hội Bảo vệ động vật đánh giá cao Theo ông Nguyễn Đình Cao, ngoài việc bảo tồn nguyên vị các động vật sinh sống, phân bố tại Phú Quốc, sứ mệnh của Vinpearl Safari là bảo tồn chuyển vị, đưa các động vật từ nơi khác về chăm sóc, bảo tồn tại VN để phục vụ nghiên cứu khoa học và công tác trao đổi động vật với các vùng khác trên thế giới. Việc này không đơn giản, đặc biệt đối với các động vật hoang dã, đang đứng trước nguy cơ tiệt chủng. Các vườn thú, Hiệp hội Bảo vệ động vật sẽ phải sang tận nơi, kiểm tra rất kỹ mọi điều kiện trước khi đồng ý cho mình tiếp nhận bất cứ một loài vật nào. "Trong lần sang khảo sát trước khi quyết định chuyển giao cho chúng tôi tiếp nhận 6 cá thể khỉ đầu chó mặt xanh, loài vật cực quý hiếm được ghi nhận đã tuyệt chủng trong tự nhiên, một chuyên gia đến từ vườn thú quốc gia Đức sau khi đi một vòng đã quả quyết: “Tôi mà có quyền tôi sẽ đưa hết thú của chúng tôi sang đây cho các anh nuôi”. Câu nói đó là động lực, niềm tự hào lớn nhất giúp Vinpearl Safari vững bước trên con đường trở thành lá cờ đầu dẫn dắt hình ảnh bảo tồn đồng vật của VN ra thế giới”, ông Cao kể. Ông cũng nói thêm, không giấu nổi niềm tự hào: "Cơ sở vật chất chỉ là nền tảng. Rất nhiều chuyên gia từ các tổ chức, hiệp hội vườn thú khu vực Đông Nam Á cũng như thế giới tới đây không cần nghe nói hay giới thiệu nhiều. Họ chỉ cần nhìn vào đôi tai, ánh mắt, thần thái của các loài động vật là biết được chất lượng của Vinpearl Safari như thế nào". |
Vinpearl Safari Phú Quốc chào đón sự ra đời của bé tê giác đực có tên khoa học là Caretotherium simum (thuộc họ White Rhinoceros). Đây là một trong 5 loài tê giác hiếm hoi còn tồn tại trên thế giới hiện nay.
Hakuna Matata gần 1 tháng tuổi đã được ra khu vực ngoài trời cùng mẹ. ẢNH: H.MAI
Chiếc xe tuk tuk chạy ngang qua khu vực tê giác trắng tại Vinpearl Safari Phú Quốc, đập vào mắt chúng tôi là cảnh rất đông nhân viên đang có mặt trong khu chuồng nhốt. Ai cũng tò mò tưởng sắp có buổi trình diễn hay sự kiện gì mới. Hỏi ra mới biết mọi người đi “thăm đẻ”.
Chẳng là trước đó, Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật Vinpearl Safari Phú Quốc chào đón sự ra đời của bé tê giác đực có tên khoa học là Caretotherium simum (thuộc họ White Rhinoceros). Đây là một trong 5 loài tê giác hiếm hoi còn tồn tại trên thế giới hiện nay.
Bạn tê giác này được nhân viên tại đây đặt tên Hakuna Matata, trong ngôn ngữ Swahili ở Đông Phi có nghĩa là “Không lo âu” với hy vọng chú bé lớn lên vô tư, tự tại, luôn ngập tràn niềm vui. Niềm hân hoan chưa vơi, hàng trăm nhân viên tại đây lại tiếp tục vỡ òa trong hạnh phúc khi chỉ 17 ngày sau, cũng trong tháng 4.2019, cá thể tê giác thứ 2 đã kiên cường chào đời.
Dùng từ “kiên cường” vì theo lời các nhân viên kể lại, quá trình “lâm bồn” của mẹ tê giác thứ 2 này rất gay cấn, nhiều lần gây “thót tim” cho đội ngũ chăm sóc, bác sĩ, chuyên gia.
Thức đêm trông tê giác "lâm bồn"
Một tuần sau ngày Vinpearl Safari Phú Quốc lập kỳ tích đón 2 cá thể tê giác quý chào đời trong vòng một tháng, không khí ở đây vẫn chưa hết rạo rực. Mọi người rủ nhau đến thăm “em bé”, người rụt rè ôm ấp bé nhỏ, người rộn ràng chơi đùa cùng anh lớn khiến người ta có cảm giác đang đến chia vui cùng một gia đình đón đứa con đầu lòng chứ không phải tham quan một vườn thú.
Ông Nguyễn Đình Cao, Trưởng bộ phận chăm sóc động vật, vườn thú Vinpearl Safari Phú Quốc, kể: Trước khi sinh, tê giác mẹ vẫn biểu hiện bình thường như những con khác. Tuy nhiên sau khi tê giác con lọt lòng, thay vì tìm cách chăm sóc, tê giác mẹ đột nhiên hung dữ, liên tục húc mạnh vào tê giác con. “Việc mang thai có thể đã gây stress dẫn đến hoảng loạn cho tê giác mẹ. Ngay lập tức, chúng tôi lên mọi phương án đối phó để bảo vệ cá thể mới sinh. Trong trường hợp xấu nhất, nhân viên vườn thú buộc phải tách tê giác con khỏi mẹ nhưng điều này cũng rất khó khăn vì sự hung dữ và cảnh giác của tê giác mẹ”, ông Cao nhớ lại.
Anh Lê Trường Hận, nhân viên chăm sóc động vật Vinpearl Safari, tiếp lời sau khi sinh, con non phải tìm được bầu vú và bú đợt sữa non đầu tiên, nếu không sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng và sự phát triển của con nhỏ. Thế nhưng tê giác mẹ lại đang bị stress, rất hung dữ. Lực lượng chăm sóc như ngồi trên đống lửa, khi mọi nỗ lực dần trở thành bất lực, sự kiên nhẫn cạn kiệt dần thì đến khoảng 8 giờ rưỡi sáng - sau 10 tiếng vật lộn, may mắn thay, tâm lý mẹ dần dần ổn định lại, tê giác con đã bú những giọt sữa đặc biệt đầu tiên. “Chúng tôi ai cũng vỡ òa, chưa bao giờ cảm giác chờ đợi sinh nở vừa lâu vừa căng thẳng, bồn chồn như lần này. Cũng lo lắng không khác gì lần đầu trông vợ hạ sinh”, anh Hận dí dỏm ví von.
Bác sĩ thú y Lê Hồng Nhật, người phụ trách chính về sức khỏe của tất cả động vật tại Vinpearl Safari Phú Quốc, kể ngay từ lúc phát hiện tê giác mẹ mang bầu, nhân viên ở đây phải theo dõi 24/24. Do thời gian tê giác mang thai quá dài, từ 16 - 18 tháng nên nguy cơ xảy ra sự cố rất cao. Hằng ngày, tê giác mẹ vẫn được ra ngoài khu vực thả để sinh hoạt bình thường như ngoài môi trường tự nhiên, tuy nhiên luôn có một nhân viên theo sát canh chừng, đề phòng khi xảy ra xung đột, đánh nhau giữa các con trong bầy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của “bà bầu”. Đêm tê giác mẹ có dấu hiệu sinh, tất cả mọi người phải thức cả đêm theo dõi qua màn hình bên ngoài, không dám chợp mắt một phút giây nào. Đến khi con non chào đời, tê giác mẹ bị “trầm cảm sau sinh”, cả đoàn cũng “đứng tim” cả gần 10 tiếng sau, khi “em bé” đã bú được sữa mẹ mới thở phào nhẹ nhõm.
Tê giác con mới sinh rất quấn mẹ
Không yêu thì không làm nổi đâu
Tại khu chuồng nhốt rộng hơn 2.000 m2, hai mẹ con tê giác mới sinh vẫn đang được nhốt tại phòng đặc biệt với lớp rơm khô dày lót bên dưới đề phòng nước ối gây trơn trượt, nguy hiểm tới tê giác sơ sinh. Trước khi bước vào, chúng tôi phải nhúng qua gót giày vào dung dịch khử trùng đặt trước cửa chuồng để đảm bảo không mang theo vi khuẩn gây hại vào chuồng.
Bé tê giác con rất quấn mẹ. Khi thấy nhiều người lạ tới, bé luôn cảnh giác, không rời mẹ nửa bước. Tê giác mẹ cũng tỏ ý đề phòng, bất kỳ hành động nào có nguy cơ gây nguy hiểm đến con, tê giác mẹ lập tức hầm hừ rồi húc mạnh sừng vào thành chuồng. Nhìn bé tê giác con hiếu động, kháu khỉnh, ai cũng muốn lại gần vuốt ve nhưng chỉ có những nhân viên với màu áo, hơi thở quen thuộc mới có thể tiếp xúc được với tê giác con mà không làm “bà mẹ” kia lo lắng.
Trong khi đó, “anh” Hakuna Matata gần 1 tháng tuổi đã được ra khu vực ngoài trời để tắm bùn, vầy đất cùng mẹ. Chú hiếu động chạy lăng xăng tò mò đủ thứ rồi lại ngoan ngoãn đứng lặng đi tận hưởng cảm giác sung sướng khi được nhân viên chăm sóc mát xa, vuốt ve. Bác sĩ thú y Lê Hồng Nhật tâm sự, làm nghề này không yêu động vật, yêu nghề thì khó mà trụ nổi. Ở Vinpearl Safari Phú Quốc, nhân viên hay bác sĩ không đơn thuần là hằng ngày cho thú ăn, dọn dẹp chuồng, khi bệnh thì tới khám chữa mà phải như những người bạn thật sự. Thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư, sức khỏe của từng con để hiểu và làm hài lòng chúng. “Cũng như nuôi con vậy, cha mẹ đôi khi sẽ phải đánh đổi, hy sinh nhiều thứ để có được những gì tốt nhất cho con mình. Thế nên không thật sự yêu không thể làm nổi đâu, tự mình sẽ loại mình chứ không cần quy định, kỷ luật nào hết”, bác sĩ Nhật nói.
Gần 500 "thành viên nhí" ra đời tại Vinpearl Safari
Ngoài tự nhiên, tê giác không phải là loài khó ghép đôi nhưng tại các vườn thú, tỷ lệ giao phối và sinh nở thành công của tê giác trắng châu Phi tại các công viên bảo tồn được ghi nhận rất thấp. Tại khu vực Đông Nam Á, tính từ năm 1973 mới chỉ có 14 cá thể chào đời và trong 10 năm qua tại VN, mới có 2 cá thể vừa sinh tại Vinpearl Safari Phú Quốc.
Ông Nguyễn Đình Cao cho hay giai đoạn chuẩn bị việc ghép đàn cho tê giác phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố môi trường. Ở một số vườn thú hay thậm chí công viên có diện tích chật hẹp, việc ghép đàn gần như không khả thi vì nếu khác đàn, khác lứa, tê giác thường dễ hung dữ, xung đột, đánh nhau, không thể giao phối. Đối với một số loài động vật hoang dã khác cũng vậy, nếu không có được môi trường gần giống nhất với tự nhiên, khả năng ghép đôi, thụ thai và sinh sản cũng cực kỳ khó.
Thế nhưng đã có khoảng 370 "thành viên nhí" thuộc các loài động vật hoang dã đã ra đời tại Vinpearl Safari Phú Quốc trong năm 2018, cùng gần 100 cá thể mới được chào đón tại Vinpearl Safari Nam Hội An chỉ sau 1 năm hoạt động, trong đó có rất nhiều loài động vật nguy cấp, quý hiếm.
Hà Mai (Thanh Niên)