Tìm lại tên cho anh…
(GLO)- Vào một ngày đầu tháng 5-2012, tôi nhận được một cuộc điện thoại lạ, đầu dây bên kia nói rằng chị tên là Nguyễn Thị Ngọc Phương là cháu của liệt sĩ Đàm Minh Viễn và nhờ tôi phối hợp tìm giúp mộ của ông! Thì ra, chị đọc được thông tin trong bài báo “Không có liệt sĩ vô danh”, bài tôi viết về chiến trường Mặt trận Tây Gia Lai năm 1946, một mặt trận ác liệt, bi tráng nhưng chưa được sử sách ghi chép lại một cách đầy đủ.
Trong đó có đoạn: “Nhưng thời gian ngừng bắn không lâu, đến tháng 6-1946 thì tiếng súng lại nổ trên chiến trường Tây Gia Lai. Trước tình hình đó, ngày 21-6-1946 Ban Chỉ huy Đại đoàn 23 do Đoàn trưởng Hữu Thành và Đàm Minh Viễn-Tham mưu trưởng, Nguyễn Văn Trí-Tham mưu phó cùng một cố vấn Nhật (sau năm 1945 tự nguyện ở lại giúp ta), và một phiên dịch đi trên một xe Jeep để khảo sát tình hình phòng tuyến Ia Dao-Chư Ty. Tôi cùng với một người tên là Hải ở đơn vị đóng quân ở Mook Đen được giao đi bảo vệ (ghi theo lời nhân chứng: ông Nguyễn Ngọc Thạnh-N.V). Hôm ấy, xe về đến Mook Đen thì bị địch phục kích. Đoàn trưởng Hữu Thành đã trực tiếp chỉ huy đánh trả nhưng địch quá đông, tất cả có 6 người hy sinh (có một cố vấn người Nhật)”.
Chị Phương cho biết, liệt sĩ Đàm Minh Viễn mà bài báo nêu chính là người mà gia đình chị đang tìm mộ lâu nay, chưa xác định được ngày hy sinh do thiếu thông tin-bởi trong giấy báo tử chỉ vẻn vẹn ghi: Đồng chí Hữu Thành và Đàm Minh Viễn hy sinh tháng 6-1947, ở mặt trận phía Nam… Chị Phương mừng nói với tôi “Nhờ bài báo mà gia đình biết được ngày bác hy sinh, địa danh hy sinh. Điều mong muốn của bố chồng chị là Thượng tướng Đàm Quang Trung (em trai liệt sĩ Đàm Minh Viễn) trước khi nhắm mắt thì phải tìm cho được mộ để hương khói cho ông”.
Đúng như lời hẹn, sáng 10-7-2012, tôi đón chị Phương cùng với thân nhân gia đình bay từ Hà Nội vào Gia Lai, bắt đầu cuộc hành trình đi tìm mộ liệt sĩ Đàm Minh Viễn. Do đã trao đổi trước và được sự giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh, của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, chính quyền huyện Đức Cơ nên khi chúng tôi lên nơi chiến sự xảy ra năm 1946 và xác định vị trí hy sinh của các liệt sĩ tương đối thuận lợi. Do trước đó, anh Võ Thanh Hùng-Chủ tịch UBND huyện đã liên hệ với xã Ia Dom và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đức Cơ, tìm được thêm một nhân chứng cực kỳ quan trọng, ông Siu Thô-người dân tộc Jrai, ở làng Mook Đen đã chứng kiến trận chiến ngày nào. Gặp ông, dù nay đã vào tuổi 80 nhưng trí nhớ còn rất minh mẫn.
An táng liệt sĩ Đàm Minh Viễn tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ. Ảnh: Q.N |
Ông đưa chúng tôi đến sườn đồi Chư Ty (một bên thuộc làng Mook Đen, xã Ia Dom, một bên thuộc làng Bi, xã Ia Nan), nơi mà 66 năm trước xảy ra trận chiến. Ông kể: “Năm đó tôi mới 14 tuổi, buổi chiều dân làng nghe tiếng súng, biết là có đánh nhau giữa bộ đội Việt Minh với quân Pháp. Chiều hôm sau, tôi cùng người bác ruột đi bẫy thú thì thấy 5 thi hài bộ đội bị địch bắn chết nằm bên một gốc cây. Ngày hôm sau, tôi trở lại thì không còn nữa, ai đó đã chôn cất các anh mà ông không biết” (cụ Nguyễn Khoa khi ấy là Chủ tịch Ủy ban ủng hộ kháng chiến đã xác định sự kiện này). Cụ Siu Thô chỉ vào gốc cây bây giờ vẫn còn đó ở sườn đồi bên vệ đường 19: “Các bộ đội Việt Minh đã nằm đây…”.
Chúng tôi nhìn theo tay già làng Siu Thô chỉ, cánh rừng già xưa, bây giờ đã là vườn cây cao su tươi tốt. Trong không gian trầm mặc, trước mắt chúng tôi như hiện lên hình ảnh những chiến sĩ cộng sản năm nào. Chị Phương nấc lên: “Bác Viễn ơi, hài cốt của các bác nơi đâu?”. Mỗi chúng tôi đều cay cay nơi khóe mắt.
Những tia nắng hiếm hoi của mùa mưa Tây Nguyên xiên qua kẽ lá như cũng đang soi rọi cùng chúng tôi kiếm tìm hài cốt các bác, các anh. Như là linh ứng, với sự chỉ dẫn của già làng Siu Thô về địa điểm, chúng tôi khoanh vùng và tìm thấy một nấm mồ bên gốc cây ven suối. Sau hai ngày cùng với các cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đức Cơ khai quật, nhưng dưới nấm mồ chỉ còn lại đất đen… Thiếu tá Vương Châu Phi đã từng tham gia cất bốc hàng trăm ngôi mộ, anh thở dài chia sẻ rằng đôi khi mộ có mà hài cốt đã tan vào trong đất. Chúng tôi khấn vong linh bác Viễn và những hương hồn liệt sĩ, xin nắm đất nơi này, nơi máu của liệt sĩ đã nhuộm đỏ, nơi xương thịt các bác đã tan vào đất-với một nghi thức tâm linh để tìm lại tên và đặt bia mộ cho liệt sĩ. Chiều muộn 11-7, cùng với di ảnh bác Đàm Minh Viễn, gia đình và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đức Cơ đưa liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ.
Đàm Minh Viễn-người chiến sĩ cách mạng ưu tú
Bây giờ, ở Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ vừa có thêm một ngôi mộ mới, ngôi mộ của liệt sĩ Đàm Minh Viễn hy sinh ngày 21-6-1946 ở ngay làng Mook Đen. Mặc dù chỉ cách nghĩa trang khoảng 10 cây số, nhưng phải mất 66 năm liệt sĩ Đàm Minh Viễn mới được về đây yên nghỉ.
Vậy Đàm Minh Viễn là ai? Trong những ngày cùng tìm mộ, tôi đã chuyện trò với chị Nguyễn Thị Ngọc Phương, hiện công tác tại Văn phòng Quốc hội, là cháu dâu bác Viễn; Nguyễn Lâm Thành là người thân, hiện là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Anh nói: Đi tìm mộ bác Viễn là cả “hai vai”, vừa là thực hiện lời trăn trối của Thượng tướng Đàm Quang Trung em của liệt sĩ, vừa là trách nhiệm với cương vị của mình. Anh Thành kể cho tôi nghe về thân thế gia đình họ Đàm ở Nà Nghiềng, một gia đình cách mạng.
Đồng thời qua tìm hiểu các tài liệu, có thể tóm tắt thân thế sự nghiệp của liệt sĩ Đàm Minh Viễn như sau: Ông tên thật là Đàm Văn Lân, ngoài ra còn có bí danh là Đức Thanh (do Bác Hồ đặt cho), Minh Viễn và Kỹ Sư. Ông được sinh ra tại làng Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng trong một gia đình dân tộc Tày giàu truyền thống yêu nước. Gia đình ông có 7 anh em, trong đó người anh cả là Đàm Văn Lý (bí danh là Quý Quân) sinh năm 1915, tham gia cách mạng từ rất sớm, vào Đảng năm 1932, năm 1936 là Châu Ủy viên Hà Quảng, năm 1939 bị bắt và đày lên Sơn La, năm 1940 lãnh đạo tổ chức vượt ngục nhưng bị bắt lại rồi bị sát hại; người em út của ông là Đàm Ngọc Lưu, tức Thượng tướng Đàm Quang Trung, từng giữ các chức vụ Bí thư Trung ương Đảng, là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Phó Chủ tịch nước bây giờ).
Đàm Minh Viễn là một trong 40 học trò được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp rèn luyện, giữ vai trò nòng cốt trong phong trào cách mạng Việt Nam thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ông được Bác Hồ giao nhiều trọng trách. Ông là người tổ chức Đoàn Thanh niên Cứu quốc đầu tiên, Đội Nhi đồng Cứu quốc đầu tiên do Nông Văn Dền (Kim Đồng) làm Đội trưởng, ông là Bí thư Tỉnh đoàn Thanh niên Cứu quốc Cao Bằng đầu tiên, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn.
Ngay từ ngày Nam bộ đứng lên kháng chiến chống Pháp, ông là một trong những người dẫn đầu đoàn quân Nam tiến, giữ chức vụ Chủ nhiệm Tham mưu, Ủy ban Kháng chiến miền Nam. Sau Hiệp định sơ bộ năm 1946, ông và Ban Chỉ huy Đoàn 23 tổ chức lập phòng tuyến Mặt trận Tây Gia Lai năm 1946 và hy sinh ở đây khi mới 27 tuổi. Tài liệu viết về ông không nhiều, dù chưa được phong quân hàm lần nào, nhưng ông được xếp vào hàng ngũ sĩ quan, tướng lĩnh lỗi lạc của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông được Đảng và Nhà nước truy tặng nhiều phần phần tưởng cao quý. Trong đó, đặc biệt nhất là: ngày 25-9-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký truy tặng Huân chương Chiến thắng hạng nhất cho 5 liệt sĩ trong đó có ghi: “Đàm Minh Viễn, Tư lệnh Phó Ủy ban Kháng chiến miền Nam Liên khu V” (theo Sắc lệnh số 38/SL, tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng nhất cho 5 cán bộ Quân đội Nhân dân Việt Nam và cho 5 cán bộ đã hy sinh trong kháng chiến-Nguồn: Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh-Những sự kiện).
Thay lời kết
Ngược dòng lịch sử về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, có thể thấy Mặt trận Tây Gia Lai là một mặt trận đầy gian khổ và ác liệt… Ghi nhận trận đánh phản phục kích của ta tại Mook Đen, Ia Dom năm 1946, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai có đoạn: “Ngày 21-6-1946, quân Pháp có không quân, pháo binh yểm trợ đồng loạt tiến công ồ ạt vào các mặt trận của ta... Trên hướng Plei Mokđen (tức Mook Đen-N.V), quân Pháp vừa tấn công chính diện, vừa luồn rừng tấn công phía sau quân ta. Bộ chỉ huy mặt trận khi đi thị sát Mặt trận phía Tây bị phục kích, bị tổn thất nặng. Các đồng chí Hữu Thành, Đàm Minh Viễn trong Ban Chỉ huy và một số đồng chí trong đoàn đã hy sinh".
Tuy nhiên, qua những nhân chứng, tài liệu, chúng ta được biết thêm còn nhiều cán bộ, chiến sĩ của Chi đội Tây Sơn, Đại đoàn 23 đã hy sinh khi trấn giữ phòng tuyến. Máu và thân xác họ đã nhuộm đỏ mảnh đất này, nhưng trong gần 70 năm qua sau trận chiến ở Mặt trận Tây Gia Lai năm 1946, hài cốt các anh vẫn nằm đây nhưng chưa có một dòng bia mộ. Cần lắm việc tiếp tục tìm kiếm cất bốc hài cốt các liệt sĩ để đưa các anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Hoặc hãy dựng ở đây một tấm bia để tưởng nhớ các anh.
Quốc Ninh