Xã hội

Gia đình

"Địa chỉ tin cậy": Góp phần hạn chế bạo lực gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh, kịp thời giúp đỡ các nạn nhân bị bạo lực gia đình. Nhờ vậy, nhiều cặp vợ chồng vốn xung khắc đã trở nên hòa thuận, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.
Thành lập vào tháng 5-2013, “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng về phòng-chống bạo lực gia đình của làng Queng Mép (xã Dun, huyện Chư Sê) đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong quá trình hoạt động. Chị Tống Thị Xuân-Chủ nhiệm mô hình-cho biết: 35% dân số trong làng là người dân tộc thiểu số, còn lại là người Kinh. Bà con chủ yếu làm nông nên kinh tế còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do trình độ hạn chế, ở một số gia đình, người chồng còn hay uống rượu, cờ bạc và có tư tưởng trọng nam khinh nữ. Vì thế, mâu thuẫn gia đình vẫn thường xảy ra, hàng năm có đến 10-15 vụ bạo lực gia đình. Nhưng nhờ có mô hình “Địa chỉ tin cậy”, nhiều cặp vợ chồng đã được hàn gắn, yêu thương, chia sẻ với nhau trong cuộc sống, chăm lo nuôi dạy con cái, nạn bạo lực gia đình giảm hẳn.
  Tuyên truyền và phát tờ rơi về phòng-chống bạo lực gia đình. Ảnh: Đ.Y
Tuyên truyền và phát tờ rơi về phòng-chống bạo lực gia đình. Ảnh: Đ.Y
Tại xã Ia Krêl (huyện Đức Cơ), mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở các thôn, làng cũng đã phát huy tác dụng, kịp thời giúp đỡ nhiều nạn nhân bị bạo lực gia đình. Bà Rơ Mah HHuy-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ia Krêl, kiêm Chủ nhiệm mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng-cho biết: Cách đây chưa lâu, chị H'Moanh (làng Khop) tìm đến “Địa chỉ tin cậy” của xã trong tình trạng hoảng loạn. Nguyên nhân là chồng chị trong lúc say rượu không làm chủ được bản thân nên đã có hành vi bạo hành. Sau khi tiếp nhận sự việc, các thành viên “Địa chỉ tin cậy” đã động viên tinh thần, giúp nạn nhân bình tĩnh và đến nhà gặp gỡ, khuyên giải giúp người chồng nhận ra cái sai rồi đến đưa vợ về nhà. Chị H'Moanh tâm sự: “Được các thành viên “Địa chỉ tin cậy” phân tích, chồng tôi đã hiểu ra vấn đề. Bây giờ, lâu lâu trong nhà có việc gì anh ấy mới uống rượu nhưng không để say.Vợ chồng tôi động viên nhau làm ăn, nuôi dạy con cái, gia đình hạnh phúc rồi”.
Bà Nguyễn Thái Thị Tường Vân-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết: Cuộc sống gia đình hiện nay đang có nhiều thay đổi, bên cạnh mặt tích cực cũng còn nhiều nỗi lo, nhất là vấn nạn bạo lực gia đình. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này mà một trong số đó là bất bình đẳng giới, khó khăn về kinh tế, chênh nhau về trình độ nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, nghiện rượu, cờ bạc, ngoại tình, ghen tuông… Có nhiều kiểu bạo hành cả về thể chất, kinh tế, tinh thần và nạn nhân đa phần là phụ nữ, trẻ em. Tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi đa số nạn nhân thường cam chịu, không dám mạnh dạn tố cáo, nhất là khi người bạo hành, xâm hại chính là người thân của họ. 
Từ năm 2015, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội LHPN tỉnh đã triển khai mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng nhằm góp phần phòng-chống bạo lực gia đình; động viên tinh thần, tư vấn cho nạn nhân những vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình; đảm bảo an toàn cho nạn nhân khi tạm lánh; thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về vụ việc để có biện pháp giải quyết. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.112 “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng ở 161 xã, thị trấn, trong đó có 391 địa chỉ tập thể và 721 địa chỉ cá nhân. Thành viên tham gia “Địa chỉ tin cậy” cá nhân là những người có uy tín cao, có kiến thức, kỹ năng và năng lực hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành và có cơ sở vật chất để có thể bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân. Còn thành viên “Địa chỉ tin cậy” tập thể là lãnh đạo UBND cấp xã, cán bộ phụ trách công tác Văn hóa, Tư pháp, Công an, Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ các thôn, làng, tổ dân phố. “Các tập thể, cá nhân khi là thành viên “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng được 2 đơn vị phối hợp tổ chức bồi dưỡng những kỹ năng tiếp nhận, tư vấn cho nạn nhân khi bị bạo hành và tham gia các lớp tập huấn về Luật Phòng-chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới”-bà Vân chia sẻ.
Theo ông Nay Kỳ Hiệp-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: Thời gian qua, Sở đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh triển khai hiệu quả mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng, góp phần giảm rõ rệt tình trạng bạo lực gia đình. “Tuy nhiên, về lâu dài, để hạn chế tình trạng bạo lực gia đình rất cần sự chung tay giải quyết cũng như sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, thực hiện lồng ghép chương trình phòng-chống bạo lực gia đình vào kế hoạch phát triển của đơn vị. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xóa bỏ tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình; nghiên cứu chính sách hỗ trợ để tiếp tục nhân rộng mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại các thôn, làng vùng sâu, vùng xa”-ông Hiệp nhấn mạnh.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm