Kinh tế

Nông nghiệp

Dịch vụ môi trường rừng giúp người dân cải thiện cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ chú trọng công tác tuyên truyền, chính quyền xã Ia Tul (huyện Ia Pa) đã giúp người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã dần phát huy hiệu quả, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Hiệu quả từ công tác tuyên truyền

 

Từ khi được hưởng chính sách chi trả DVMTR, các hộ dân nhận khoán quản lý và bảo vệ rừng từ đơn vị chủ rừng là UBND xã Ia Tul đã cam kết bảo vệ tốt diện tích rừng trong khu vực được giao khoán. Các hoạt động xâm phạm, phá hoại rừng, khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng làm rẫy... giảm rõ rệt, diện tích rừng hiện có cơ bản được bảo vệ tốt.

Các hộ dân nhận khoán tại các buôn làng đã ý thức rõ hơn về quyền lợi gắn với trách nhiệm của mình trong việc tham gia bảo vệ rừng. Hàng trăm hộ dân tự chia thành nhiều tổ, phân công các thành viên thường xuyên tuần tra, trực gác bảo vệ rừng khu vực nhận khoán.

Đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tổ chức tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR
Đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tổ chức tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR, vận động người dân xã Ia Tul (huyện Ia Pa) tham gia bảo vệ rừng. Ảnh: M.N

Kết quả này có được là nhờ các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đã phát huy được hiệu quả tích cực.

Theo ông Rơ Ô Sông-Trưởng thôn Biah B: Nhờ thường xuyên được vận động tham gia tuần tra, bảo vệ khu vực rừng nhận khoán nên người dân đã dần ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong việc giữ rừng, không còn tình trạng phá rừng làm nương rẫy như trước đây.

Tuy vậy, ông Sông cho rằng, do địa bàn quản lý rộng, địa hình phức tạp nên vẫn còn xảy ra việc người dân ở các xã lân cận đến xâm canh, lấn chiếm đất rừng làm rẫy. Công tác tuần tra bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, khi nhiều khu vực bị chia cắt bởi những dòng suối lớn.

 

Trong khi đó, ông Ksor Khoan-Phó Trưởng thôn Blanh-khẳng định: Từ khi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, được hỗ trợ từ chính sách chi trả DVMTR, công tác giữ rừng của buôn Blanh thêm phần hiệu quả, diện tích rừng hiện có cơ bản được bảo vệ tốt. “Ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, chúng tôi còn chia các hộ dân trong buôn ra thành nhiều tổ thường xuyên tổ chức đi tuần tra khu vực rừng nhận khoán. Mỗi tháng các tổ bảo vệ rừng của buôn đi tuần tra 3-4 lần, nếu phát hiện những trường hợp khả nghi, chúng tôi sẽ báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý”-ông Khoan nói.

 

Tại buổi tuyên truyền với người dân xã Ia Tul, ông Nguyễn Văn Thưởng-Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã nhấn mạnh về mục đích, ý nghĩa của chính sách chi trả DVMTR đối với người tham gia bảo vệ rừng; trách nhiệm và quyền lợi của người tham gia hợp đồng bảo vệ rừng cung ứng; nêu rõ lợi ích, hiệu quả của chính sách này.

Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cũng mong muốn các hộ dân tiếp tục nâng cao trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ rừng, tăng cường công tác tuần tra nhằm ngăn ngừa các hành vi xâm hại đến diện tích rừng nhận giao khoán; không lấn chiếm đất rừng làm rẫy; đồng thời gợi ý cho bà con sử dụng hiệu quả nguồn tiền chi trả DVMTR bằng việc trích gây quỹ cộng đồng giúp các hộ dân khó khăn vay phát triển sản xuất, chăn nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Người dân hưởng lợi từ rừng

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, từ năm 2015 đến nay, 660 hộ dân ở các buôn: Biah B, Blanh, Biah A, Biah C, Ia Ptao và Tơ Khế (xã Ia Tul) đã nhận khoán quản lý và bảo vệ rừng với diện tích hơn 7.000 ha. Bình quân mỗi hộ được nhận khoảng 1,8 triệu đồng/năm. Dự kiến năm 2018, Quỹ sẽ chi trả tiền DVMTR gần 2,7 tỷ đồng cho xã Ia Tul trên diện tích hơn 22.000 ha rừng do xã quản lý và bảo vệ. Với việc ký hợp đồng nhận khoán quản lý, bảo vệ 7.000 ha, năm 2018, các hộ dân của 6 buôn nói trên sẽ nhận được 1,4 tỷ đồng (theo đơn giá chi trả là 200.000 đồng/ha/năm).

chi trả
Chi trả tiền DVMTR cho người dân xã Ia Tul (huyện Ia Pa). Ảnh: M.N

Ông Siu Sứ-Chủ tịch UBND xã Ia Tul-cho biết: Xã đã hợp đồng giao khoán cho người dân 6 buôn quản lý, bảo vệ 8.000 ha rừng. Trong đó, nguồn kinh phí từ DVMTR giao khoán 7.000 ha, còn 1.000 ha được giao khoán theo Nghị định 75 từ nguồn kinh phí của Nhà nước.

Nhìn chung, ý thức người dân về tầm quan trọng của tài nguyên rừng đã dần được nâng cao, từ đó tạo động lực tập trung đoàn kết bảo vệ rừng, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Nhiều gia đình có tiền chi phí cho con ăn học, hạn chế tình trạng vay nặng lãi. “Trước khi thực hiện hợp đồng giao khoán, chúng tôi đã quán triệt các quy định, chỉ đạo các buôn xây dựng kế hoạch kiểm tra rừng đối với diện tích giao khoán. Nhờ vậy, tài nguyên rừng được gìn giữ, việc khai thác vận chuyển lâm sản trái phép cũng ít xảy ra hơn trước”-ông Sứ khẳng định.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, tại địa phương này vẫn còn tồn tại một số bất cập. Đối với 14.000 ha còn lại do xã quản lý (tổng diện tích trên 22.000 ha, đã giao khoán cho dân 8.000 ha) có địa hình phức tạp, giáp địa giới hành chính với các huyện Krông Pa, Kông Chro, Ban Quản lý rừng Phòng hộ Chư Mố (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) và huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) nên vẫn còn xảy ra tình trạng phá rừng làm rẫy. “Cán bộ xã vừa làm công tác hành chính vừa kiêm nhiệm công tác quản lý, bảo vệ rừng nên không có thời gian thường xuyên tuần tra khu vực rừng được giao quản lý.

Do vậy, 6 tháng đầu năm 2018, trên diện tích rừng do xã quản lý đã xảy ra 2 trường hợp phá rừng làm nương rẫy gây thiệt hại 2.000 m2. Xã đã lập biên bản thu hồi lại đất không cho người dân trồng cây nông nghiệp mà buộc họ cam kết trồng lại rừng trên diện tích đã phá”-ông Sứ cho biết.

 

Chủ tịch UBND xã Ia Tul cho biết, để nâng cao hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR, thời gian tới, chính quyền sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu được ý nghĩa của chính sách chi trả DVMTR, đồng thời kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại đến tài nguyên rừng để vốn rừng được giữ vững và ngày càng phát triển.

 Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm