Điểm sáng phong trào phụ nữ vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Mỗi hoạt động, phong trào được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ia Din triển khai đều có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với tình hình ở cơ sở, qua đó tạo niềm tin để tập hợp hội viên, đồng thời gắn kết các chi hội để cùng thực hiện các phong trào, mô hình có hiệu quả”-bà Nguyễn Thị Thu Huề-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Din (huyện Đức Cơ, Gia Lai) chia sẻ.
Chăm sóc trẻ em nghèo
Một trong những hoạt động hướng về cơ sở của Hội LHPN xã Ia Din là chương trình “Nồi cháo tình thương” dành cho các em học sinh dân tộc thiểu số. Hoạt động này được Hội triển khai từ năm 2011 khi chứng kiến sự khó khăn của nhiều hội viên ở làng, nhiều trẻ ốm yếu vì thiếu ăn. Bản thân Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Thị Thu Huề đã tiên phong bỏ tiền túi, kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ để có kinh phí mua gạo, thực phẩm nấu cháo. Trung bình mỗi năm Hội tổ chức 4-5 đợt, kinh phí mỗi đợt hơn 2 triệu đồng, phát hơn 600 suất cháo cho trẻ em. Địa điểm Hội thường lựa chọn là điểm trường Tiểu học Bùi Thị Xuân tại làng Nẻh 1 và điểm trường Tiểu học Hùng Vương tại làng Jít Rông 1.
Các thành viên của Câu lạc bộ “Biến rác thành tiền” (thôn Đồng Tâm 2). Ảnh: T.B
Tham gia hoạt động trên có khoảng 15 người gồm các chị trong Ban Chấp hành và Chi hội trưởng các chi hội. Để có một nồi cháo thơm ngon, ngay từ sáng sớm, các chị đã phân công nhau đi chợ, chế biến thực phẩm để 10 giờ sáng có thể trao những bát cháo thơm ngon đến tay các em học sinh. Chị Vinh-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Jít Rông 1-cho biết: Mỗi lần nấu cháo, bà con ở làng rất mừng vì con em có thêm bữa ăn đủ chất dinh dưỡng. Dịp này, hội viên, phụ nữ trong làng cũng được hướng dẫn cách chăm sóc con cái, giữ gìn vệ sinh để tránh ốm đau, bệnh tật.
Ngoài ra, Hội còn kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp tặng áo quần, sách vở, xe đạp cho trẻ em nghèo ở làng; vận động tiệm cắt tóc trên địa bàn xã xuống các điểm trường cắt tóc miễn phí cho học sinh. Bà Nguyễn Thị Thu Huề tâm sự: “Cuộc sống của chị em đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, chính vì thế, giúp đỡ con em hội viên là nhiệm vụ quan trọng của Hội LHPN xã. Nhờ đó mà tình cảm giữa chị em hội viên các chi hội ngày càng khăng khít”.
Nhiều phong trào hay
 
Ông Nguyễn Công Kim-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Din: “Với đặc thù 47% dân số là người Jrai, cuộc sống của hội viên, phụ nữ xã còn gặp nhiều khó khăn. Trong điều kiện đó, Hội LHPN xã đã chủ động, sáng tạo triển khai nhiều phong trào, mô hình hay, ý nghĩa để gắn kết các chi hội, giúp hội viên cải thiện đời sống, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới. Với các hoạt động, phong trào triển khai hiệu quả thời gian qua, Hội LHPN xã Ia Din đã được cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp Hội đánh giá cao, được tặng nhiều giấy khen, bằng khen”.

Đầu tháng 10-2018, Hội LHPN xã Ia Din thành lập Câu lạc bộ “Biến rác thành tiền” ở thôn Đồng Tâm 2 gồm 18 thành viên, với mục đích nâng cao ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, góp phần giữ gìn môi trường xanh-sạch-đẹp. Theo đó, mỗi gia đình đều trang bị 2 thùng rác để phân loại rác thải tái chế và rác thải không tái chế. Rác thải không tái chế sẽ được đào hố chôn; rác thải tái chế là lon bia, chai nhựa được gom lại và bán lấy tiền làm quỹ thăm hỏi hội viên lúc ốm đau. Nhờ đó, tình trạng vứt rác không đúng nơi quy định trên địa bàn đã được hạn chế.
Mô hình “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm mỗi năm 5-10 triệu đồng” cũng được Hội LHPN xã triển khai tại làng Al với 15 thành viên. Mỗi thành viên được Hội hỗ trợ một con heo đất, chị em bớt chút tiền chi tiêu hàng ngày để “nuôi” heo (2.000-5.000 đồng). Chỉ sau vài tháng, các chị có được một khoản để mua sắm đồ dùng cần thiết. Từ đó, chị em tham gia mô hình đã tự rèn được thói quen tiết kiệm hàng ngày, chi tiêu có kế hoạch.
Xác định cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương, hàng tháng, các chi hội đều tổ chức vệ sinh, phát quang bụi rậm trên các trục giao thông chính; triển khai cho hội viên xây dựng con đường hoa, hàng rào xanh, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường sạch, đẹp. Ngoài những hoạt động trên, chi hội thôn Quyết Thắng cũng đã triển khai mô hình “Mỗi hội viên một vườn rau xanh và cây ăn trái”. Mô hình này đã góp phần nâng cao mức sống cho hội viên, giúp phát triển kinh tế gia đình.
Thêm một kết quả nổi bật nữa là phong trào kết nghĩa giữa các chi hội người Kinh và chi hội đồng bào dân tộc thiểu số. Các chi hội kết nghĩa định kỳ tổ chức sinh hoạt chung; hỗ trợ, hướng dẫn cách triển khai các phong trào, hoạt động của Hội. Nhờ thế, hoạt động của các chi hội phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số cũng phong phú, đa dạng hơn, thu hút được nhiều hội viên, phụ nữ tham gia.
Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm