Thời sự - Bình luận

Điểm sáng tình người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đại dịch Covid-19 giáng xuống nhân loại với những tai ương khủng khiếp. Cho đến khi loài người dập được dịch thì hậu quả mà nó gây ra sẽ còn kéo dài nhiều năm, trên diện rộng. Có những điều, những việc không thể nào trở lại như xưa.

Nhưng cũng qua hàng vạn năm tiến hóa, loài người luôn đứng lên từ sau những thảm họa, học cách thích nghi; từ trong nguy cơ nhìn ra thời cơ, xác lập những bước đi mới. Trong những hành trình đó, dấu ấn tri thức sáng tạo luôn để lại cho đời sau những hồi quang lấp lánh, những phát minh thay đổi cuộc sống con người.

Đại dịch cũng thúc đẩy loài người bước nhanh hơn vào kỷ nguyên số, phát triển nền kinh tế số. Sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ 4... không chỉ tác động trực tiếp tới các hoạt động thương mại mà còn làm thay đổi sâu sắc các phương thức sản xuất truyền thống.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhân loại đang bước vào một không gian sống mới. Sự di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là sự di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Nếu an toàn thông tin bảo đảm sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, là trở thành cường quốc về an toàn an ninh mạng để bảo vệ đất nước trên không gian mạng thì an ninh mạng, an toàn thông tin sẽ thực sự có một không gian và sứ mệnh mới vô cùng lớn lao. Tương tự, nếu công nghiệp ICT là "Make in Vietnam", là phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, làm chủ công nghệ, thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam thì sẽ giúp đất nước phát triển, từ đây đi ra chinh phục thế giới.

Trong bối cảnh đó, đội ngũ lao động có sự chuyển dịch, thay đổi về chất và lượng. Bên cạnh những ngành nghề mới, nhân tố mới, vẫn không thể xem nhẹ vai trò của lực lượng lao động trong những ngành nghề sản xuất truyền thống và đây vẫn là lực lượng quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Một năm qua, họ là những người chống chịu nhiều nhất và bị thiệt hại nhiều nhất bởi đại dịch. Cùng với sự đình trệ của sản xuất, nhà máy đóng cửa, hàng triệu người mất việc làm, thiếu việc làm, ở lại trong những phòng trọ chật hẹp bên cạnh các khu công nghiệp. Chính phủ luôn quan tâm người lao động (NLĐ), lập tức đưa ra các gói hỗ trợ NLĐ và doanh nghiệp để họ đắp đổi qua ngày.

Rồi dịch lắng xuống, doanh nghiệp hồi phục sản xuất, NLĐ trở lại với nhà máy. Hơn bao giờ hết, việc làm là nhu cầu thiết thân; xoay quanh đó là đời sống, quyền lợi. Đại dịch đưa con người đến gần nhau hơn, thiện chí của giới sử dụng lao động được phát huy, NLĐ bày tỏ sự thông hiểu. Một cái Tết không về quê không chỉ là an toàn phòng dịch mà còn là những chăm sóc nghĩa tình khác của hệ thống chính trị, trong đó có Công đoàn, của người sử dụng lao động với NLĐ. Một nhà máy đóng cửa, đã có những nhà máy khác sẵn sàng đón nhận NLĐ vào làm việc như câu chuyện Công ty TNHH Delancey Street Furniture Việt Nam ở tỉnh Bình Dương giải thể vào đầu tháng 2 này.

Không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai phải hụt hẫng bởi những biến động bất ngờ. Những điểm sáng tình người là ngọn lửa để hun đúc ý chí, cùng nhau vượt khó, tiến về phía trước.

 

Theo HOÀNG HOA (NLĐO)
 

Có thể bạn quan tâm