Điểm sáng về mô hình quản lý nước sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2007, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn ở buôn Hoang, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa là một “mô hình điểm” trong việc tổ chức quản lý, vận hành bảo dưỡng, khai thác và sử dụng tương đối hiệu quả.

Hiện nay, không ít công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn (CNSHNT) ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh hoạt động chưa mang lại hiệu quả cao, thậm chí không hoạt động ngày nào. Nguyên nhân được nhận định là do các công trình này sau khi được đầu tư xây dựng, nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng không có mô hình quản lý khai thác cụ thể cho từng loại công trình, không có đơn vị đầu mối nào đứng ra bảo quản, sửa chữa, nhiều công trình rơi vào tình trạng “lắm sãi không ai đóng cổng chùa”.

 

Công trình cấp nước sinh hoạt tại buôn Hoang. Ảnh: M.T

Tuy nhiên, mô hình CNSHNT ở buôn Hoang, xã Ia Sao là một trong số ít công trình CNSHNT hoạt động có hiệu quả, đáng được nhân rộng, đem đến kinh nghiệm hay cho các địa phương khác.

Mặc dù không được ngân sách hỗ trợ, nhưng UBND xã Ia Sao vẫn xây dựng được mô hình quản lý, khai thác và sử dụng công trình cấp nước tương đối hiệu quả. Ông Nguyễn Hữu Bình-cán bộ Giao thông thủy lợi xã, phụ trách nước sinh hoạt nông thôn-cho biết: Hiện toàn xã có 5 thôn với hơn 459 hộ được sử dụng nước sạch. Khi các công trình cấp nước đi vào hoạt động, xã đã cử ra một Ban quản lý gồm 3 người, trong đó cán bộ của xã làm trưởng ban.

Từ năm 2007 đến 2009, được sự thống nhất cao của người dân trong xã, Ban quản lý thu 3.000 đồng/m3 nước, sau khi trả tiền điện, số tiền còn lại dùng hỗ trợ cho mỗi cán bộ phụ trách quản lý là 500.000 đồng/người/tháng; số dư còn lại dùng để tích lũy cho việc duy tu, sửa chữa. Từ năm 2009 trở đi, giá điện tăng nên giá nước cũng được đề nghị tăng lên 4.000 đồng/m3 và tiền hỗ trợ cho cán bộ quản lý là 750.000 đồng/người/tháng. Nhờ đó, công tác duy tu, sửa chữa và khắc phục sự cố về đường ống, nguồn điện và sự cố về máy bơm được thường xuyên theo dõi và khắc phục kịp thời.

“Mỗi lần máy bơm bị cháy, tiền sửa chữa hơn 10 triệu đồng, chúng tôi đều trích từ quỹ dự phòng ra để trả, chưa bao giờ chúng tôi để người dân phải thiếu nước quá 2 ngày. Giờ thì chúng tôi còn có thể tự đứng ra sửa chữa những hư hỏng nhỏ để tiết kiệm chi phí”- ông Bình vui vẻ cho biết.

Ngoài ra, để giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch, tranh thủ lúc đi thu tiền nước ở từng hộ gia đình, những cán bộ quản lý này còn thường xuyên vận động, tuyên truyền giúp người dân hiểu và sử dụng nguồn nước hiệu quả, thay đổi dần tập quán sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh, đem lại lợi ích về sức khỏe và kinh tế, đời sống người dân dần được cải thiện; đồng thời từng bước nâng cao tỷ lệ người dân trong xã được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Khi được hỏi về hiệu quả công trình, ông Nay Pheok-buôn Hoang, xã Ia Sao-cho biết: “Trước kia, khi chưa có công trình nước sạch gia đình tôi sử dụng giếng đào, nước thường có màu vàng và mùi tanh. Giờ nước sạch đã về tận nhà, chỉ cần mở vòi ra là có nước, không còn phải lo mắc những bệnh về đường ruột, đau mắt, các bệnh ngoài da. Từ khi được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, gia đình tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều”.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm