Giáo dục

Tuyển sinh

Điểm thi môn toán, văn tốt nghiệp THPT các địa phương ra sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, chỉ còn 2 môn thi bắt buộc là toán và ngữ văn. Vì vậy, cần nhìn lại chất lượng hai môn thi này năm 2024 và đưa ra giải pháp cải tiến chất lượng phù hợp.

Toán hoặc văn phải có trong tổ hợp môn xét tuyển ĐH

Toán, ngữ văn là hai môn học quan trọng ở trường phổ thông. Kiến thức, phương pháp và tư duy của 2 môn học này được vận dụng để học tập cho nhiều môn học khác, cũng như vận dụng để giải quyết các vấn đề cuộc sống.

Vì vậy, đây là 2 môn học, môn thi bắt buộc đối với kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp THPT. Mới đây, Bộ GD-ĐT đưa ra Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH và CĐ sư phạm giáo dục mầm non, quy định tổ hợp xét tuyển có 3 môn, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm. Điều này càng khẳng định tính chất quan trọng của 2 môn học này nên được nhà trường, học sinh (HS) và gia đình chú trọng.

Học sinh lớp 12 trong giờ học môn văn chương trình mới

Toán là môn học khó, chất lượng dạy và học môn này ở cấp THPT phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đầu vào HS, đội ngũ giáo viên, nguồn lực của nhà trường, môi trường, truyền thống học tập và sự đầu tư của gia đình… Trong khi đó việc dạy và học, cũng như chất lượng môn ngữ văn không quá chênh lệch giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn.

Toán và ngữ văn là quan trọng nhưng đóng góp vào sự thành công của HS là sự đồng đều giữa các môn học. Người học không chỉ thành công trong lĩnh vực toán hay văn, mà họ có thể thành công ở tất cả lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, lịch sử, địa lý, nghệ thuật, thể thao… Vì vậy, khi xếp loại học tập, cuối kỳ, cuối năm, các môn học hoàn toàn bình đẳng hay trong tính trung bình điểm thi tốt nghiệp, môn toán hay văn đều có hệ số 1 như các môn học khác.

20 địa phương dẫn đầu về bình quân tổng điểm 2 môn

Dựa trên kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT hai môn này của các địa phương năm 2024, chúng tôi tính trung bình điểm thi (TBĐT) hai môn sắp xếp từ cao, đến thấp. Kết quả, đã phân chia các địa phương trong cả nước thành 3 nhóm: Nhóm 20 địa phương dẫn đầu, 20 địa phương tốp giữa và 23 địa phương tốp cuối. Việc phân chia này mang tính chất tương đối.

20 địa phương dẫn đầu về bình quân tổng điểm 2 môn ngữ văn và toán là những địa phương có kinh tế - xã hội phát triển và có truyền thống giáo dục. Đặc biệt, có 6 địa phương cả 2 môn nằm trong top 10, đó là: Nam Định (văn xếp thứ 4 - toán xếp thứ 1), Ninh Bình (1 - 6), Bắc Ninh (8 - 3), Hà Nam (3 - 8), Vĩnh Phúc (9 - 5) và Hải Phòng (6 - 10). 6 địa phương có 1 môn trong top 10, gồm: Bình Dương (18 - 2), Hà Tĩnh (10 - 22), Bà Rịa-Vũng Tàu (19 - 9), Thái Bình (23 - 7), Thanh Hóa (7 - 38), Trà Vinh (2 - 54). Đáng chú ý là Trà Vinh là địa phương có nhiều HS người Khmer nhưng năm 2024 đã xếp thứ 2 môn ngữ văn, trong khi môn toán xếp thứ 54.

Nghệ An và Thanh Hóa là 2 địa phương có nhiều HS dự thi và nhiều trường ở miền núi nhưng môn ngữ văn xếp thứ 5 và 7.

Trong 5 thành phố trực thuộc T.Ư, chỉ có Hải Phòng và Hà Nội lọt vào top 20, còn TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ vẫn ở ngoài top này.

20 địa phương top giữa về bình quân tổng điểm 2 môn

Trong 20 địa phương top giữa này, có 3 thành phố trực thuộc T.Ư là TP.HCM, Cần Thơ và Đà Nẵng. Trong đó, TP.HCM môn toán xếp thứ 4 nhưng môn ngữ văn xếp thứ 43, Đà Nẵng môn toán xếp thứ 14 nhưng môn ngữ văn xếp thứ 51, Cần Thơ môn toán xếp thứ 23 và môn ngữ văn xếp thứ 31.

23 địa phương top cuối về bình quân ngữ văn và toán

23 địa phương này có thứ hạng môn ngữ văn và toán trong khoảng từ 40 trở lên; hoặc là địa phương có môn thứ hạng cao thì môn còn lại rất thấp. Chẳng hạn, Vĩnh Long môn toán xếp thứ 15 thì môn ngữ văn xếp thứ 59, Bến Tre môn toán xếp thứ 24, còn môn ngữ văn xếp thứ 54.

Hầu hết các địa phương miền núi, nhiều HS là dân tộc thiểu số đều có thứ hạng môn ngữ văn và toán đều thấp như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lạng Sơn, Yên Bái, Ninh Thuận, Lai Châu, Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang.

Giải pháp cho hai môn ngữ văn và Toán

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Với cấu trúc, định dạng đề thi mới, cách tổ chức thi cũng hoàn toàn mới với 4 môn thi, trong đó ngữ văn và toán là 2 môn thi bắt buộc, 2 môn thi còn lại do HS lựa chọn trong số các môn (ngoại ngữ, lý, hóa, sinh, tin học, công nghệ, sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật).

Các địa phương cần dạy học và ôn thi sớm đối với 2 môn này theo định dạng và yêu cầu mới của đề thi minh họa do Bộ GD-ĐT đã công bố trong năm 2023 và 2024 mới đây. Đặc biệt, môn ngữ văn không lấy ngữ liệu ở sách giáo khoa và phần đọc hiểu được chú trọng, điểm thi phần đọc hiểu đã tăng từ 3 điểm lên 4 điểm so với trước đây.

Theo Hồ Sỹ Anh (TNO)

Có thể bạn quan tâm