(GLO)- “Vào mùa bão gió, chúng tôi thường xuyên liên lạc với các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa để tiếp nhận thông tin cứu hộ, cứu nạn của ngư dân đánh bắt xa bờ. Liên tục theo dõi và cập nhật diễn biến tình hình của bão, phối hợp với tàu trực hỗ trợ ngư dân đến từng tàu cá của ngư dân vận động các thuyền viên neo tàu trong lòng hồ và dời tàu lên đảo tránh trú bão”-Đó là những lời tâm sự mộc mạc của Thiếu tá Phạm Tiến Dũng-Chỉ huy trưởng đảo Tốc Tan thuộc quần đảo Trường Sa.
Điểm đảo Đá Lớn đang được khẩn trương xây dựng địa chỉ tiếp ngư dân. Ảnh: Trần Văn Nghĩa |
Thiếu tá Phạm Tiến Dũng cho biết, Tốc Tan là một đảo chìm có diện tích tương đối rộng. 3 điểm đảo A, B, C nằm trên dải san hô bao bọc xung quanh một hồ rộng 2,2 hải lý, dài 5 hải lý. Độ sâu trung bình trong lòng hồ là 25 mét, có cửa luồng ra vào thuận lợi. Vì thế hồ Tốc Tan không chỉ có giá trị về hệ sinh thái bao gồm quần thể các sinh vật và dải san hô đẹp mà nó có vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển. Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, quanh năm chịu ảnh hưởng của hàng chục cơn bão lớn nhỏ hình thành từ vùng biển Philippines có sức tàn phá khốc liệt, ảnh hưởng lớn đến việc đánh bắt thủy-hải sản của ngư dân đánh bắt xa bờ.
Do vậy, ở các đảo và điểm đảo trên quần đảo Trường Sa từ lâu, ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông, nơi đây còn là địa chỉ đỏ tiếp sức cho ngư dân đánh bắt xa bờ và làm nhiệm vụ bám biển. Thiếu tá nhớ như in quãng thời gian khi cơn bão Hai Yan đi vào biển Đông. Tháng 11-2013, Lữ đoàn 146 đã vận động 40 tàu cá với gần 50 ngư dân vào vùng trú bão an toàn. Tất cả ngư dân được các chiến sĩ trên đảo bố trí chỗ ăn ngủ chu đáo tại nhà tiếp dân. Với tinh thần “không lấy của dân từ cái kim, sợi chỉ”, cán bộ chiến sĩ trên đảo Tốc Tan đã xây dựng tình quân dân thêm gắn kết và tốt đẹp tạo niềm tin cho ngư dân bám biển.
Ảnh: Trần Văn Nghĩa |
Ảnh: Trần Văn Nghĩa |
Năm nào cũng vậy, khi mùa mưa giông đến, sóng biển dữ dội thì cán bộ, chiến sĩ trên các đảo và điểm đảo tăng cường công tác tuần tra, sắp xếp nơi neo đậu cho tàu thuyền của ngư dân vào trong lòng hồ đảo tránh trú bão, bảo đảm an toàn về người và tài sản. Bộ đội Hải quân trên đảo đã phối-kết hợp với ngư dân đánh bắt xa bờ làm tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái. Bằng những việc làm thiết thực trên, tàu thuyền của bà con ngư dân vẫn kiên trì bám biển, kiên trì khai thác, đánh bắt nguồn hải sản. Những đoàn thuyền luôn hiện diện trên khắp các vùng biển đảo của đất nước ta, khai thác đánh bắt nguồn lợi hải sản, đồng thời khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ảnh: Trần Văn Nghĩa |
Không dừng lại ở đó, hiện nay trên các đảo và điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều đã thành lập các đơn vị làm dịch vụ nghề cá và âu tàu. Đảo cung cấp đầy đủ nguồn hàng nhu yếu phẩm và xăng dầu cho các tàu, thuyền của ngư dân làm nhiệm vụ đánh bắt xa bờ-bám biển làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển đảo. Ông Lê Việt Tiến-Công ty TNHH một thành viên Nuôi trồng Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT, chủ tàu Đá Tây 05/số hiệu SG-91816 TS cho biết: Hiện Công ty có 9 tàu thường xuyên hoạt động ở các đảo và điểm đảo trên quần đảo Trường Sa. Bình quân mỗi tàu có sức chứa hàng trăm mét khối xăng dầu và hàng ngàn tấn hàng hóa các loại, hoạt động 24/24 giờ ở tất cả 21 đảo-33 điểm đảo trên quần đảo Trường Sa bảo đảm khâu dịch vụ cho ngư dân đánh bắt xa bờ đã và đang góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trần Văn Nghĩa