Điểm tựa của sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vốn là nơi nuôi dưỡng các em có hoàn cảnh đặc biệt từ những ngày còn nhỏ, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh luôn là chiếc nôi chứa đầy tình thương yêu, bảo bọc, là nơi tạo động lực cho các em phấn đấu vươn lên trong học tập và cuộc sống.
 

 

Hiện tại, ngoài các em nhỏ sinh sống tại các mái nhà chung này, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh còn hỗ trợ cho 5 em sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh. Chị Vũ Thị Bắc-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh chia sẻ: “Đối với các em là sinh viên, Trung tâm vẫn có chế độ hỗ trợ cho các em 100% chi phí ăn học cũng như các chi phí phát sinh khác, đảm bảo cho các em có đủ điều kiện để theo học”.

Sinh ra trong một gia đình có 3 anh chị em ở làng Poong (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ), cha mẹ chẳng may mất sớm, cô bé Rơ Mah Choi (SN 1990) đã gắn bó với Trung tâm từ năm 8 tuổi. Bây giờ, Choi đã là cô sinh viên năm cuối ngành Nữ hộ sinh của trường Đại học Y-Dược TP. Hồ Chí Minh. Để có được thành quả ấy là cả một quá trình phấn đấu học tập không ngừng nghỉ của bản thân em cũng như sự động viên, khích lệ kịp thời của Trung tâm. Choi tâm sự: “Ngày em rời Trung tâm để xuống thành phố nhập học, em vừa vui vừa buồn. Vui vì mình được học đại học, nhưng buồn vì phải xa các cô, các mẹ, các em ở Trung tâm. Hồi đó hầu như ngày nào em cũng khóc. Các chị, các mẹ cũng thường xuyên gọi điện động viên nên em cũng tập làm quen dần. Mỗi lần có dịp về thăm nhà, em đều ghé qua Trung tâm để thăm lại mọi người”. Với số tiền 1,5 triệu đồng mà Trung tâm hỗ trợ hàng tháng cho chi phí sinh hoạt, Choi cố gắng tằn tiện để chi tiêu cho cuộc sống sinh viên. Cũng không để phụ lòng mong mỏi của mọi người, Choi luôn nỗ lực, cố gắng hết sức để học tập. “Hiện tại em đang đi thực tế tại Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh), vài tháng nữa em sẽ thi tốt nghiệp. Em mong là sẽ có một công việc ổn định tại quê nhà để có thể nuôi sống bản thân, được gần gũi với gia đình cũng như mọi người trong Trung tâm”-Choi bày tỏ.

Cũng tương tự, em Rơ Châm Dun (SN 1994, xã Ia Phí, huyện Chư Pah) cũng đã gắn bó với Trung tâm từ những ngày còn nhỏ khi gia đình em quá khó khăn không thể cho em tiếp tục theo con đường học hành. Từ một cậu bé khá nhút nhát, rụt rè, bây giờ Dun đã là chàng sinh viên năm thứ nhất khoa Công tác xã hội của Trường Đại học Đà Lạt. Dun tâm sự: “Ban đầu đi học ở xa, em cũng lo lắng nhiều lắm, nhưng các cô, các mẹ trong Trung tâm vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên, khích lệ khiến em cảm thấy yên tâm. Dần dần em làm quen với bạn mới, với môi trường mới. Học xong em cũng muốn trở về Gia Lai làm việc để được gặp gỡ mọi người nhiều hơn”. Với các em đang sinh sống trong Trung tâm, đặc biệt là các em hiện đang học lớp 12, Dun vẫn thường xuyên trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm cũng như động viên các em cố gắng ôn tập, thi hết sức mình để được tiếp tục đi học, đừng bỏ ngang như một vài anh chị đi trước. Vì Dun nghĩ, có học mới mong thoát khỏi cái khó, cái nghèo.

Bà Đoàn Thị Hường-Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Nhìn chung, trong điều kiện có thể, Trung tâm luôn cố gắng hết sức để hỗ trợ cho các em ăn học. Không chỉ vậy, Trung tâm còn hỗ trợ, giúp các em có được việc làm phù hợp với ngành học của mình sau khi ra trường. Thậm chí, có nhiều trường hợp, chúng tôi cũng đứng ra thay gia đình tổ chức cưới hỏi cho các em. Vì các em khi đã vào sống tại Trung tâm đều có hoàn cảnh rất đáng thương, nên chúng tôi coi các em như con của mình, luôn sát cánh bên cạnh để động viên, giúp đỡ để các em trở thành những người công dân có ích cho xã hội”.

Phương Vy

Có thể bạn quan tâm