Theo đánh giá của Bộ Chính trị, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng, hệ thống chính trị và xã hội được nâng cao; việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân được đẩy mạnh; môi trường sản xuất, kinh doanh được cải thiện, ngày càng bình đẳng, thuận lợi.
Vai trò của doanh nhân và tổ chức đại diện cho đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp từng bước được củng cố, phát huy. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế; đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội của một bộ phận doanh nhân còn chưa cao, còn vi phạm pháp luật.
Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai, hiệu quả chưa cao; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu; chưa quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho doanh nhân.
Gia Lai đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư cởi mở, thông thoáng để thu hút đầu tư. Ảnh: Hà Duy |
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thực tiễn, Nghị quyết số 41-NQ/TW đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gồm: nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước; hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến; phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới; xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.
Theo ông Hoàng Anh Tú-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-dịch vụ Hoàng Tú (phường Chi Lăng, TP. Pleiku): “Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng được đưa ra trong Nghị quyết số 41-NQ/TW là hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Trong kinh doanh luôn có rủi ro, do đó rất cần thiết phải tạo môi trường an toàn. Là doanh nghiệp nhỏ và mới thành lập, chúng tôi rất cần một môi trường kinh doanh bình đẳng để hoạt động và phát triển”.
Đặc biệt, Nghị quyết số 41-NQ/TW đã thể hiện sự quan tâm đến đội ngũ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như siêu nhỏ khi đề ra nhiệm vụ: có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; khuyến khích hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp…
Tiếp tục khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ; có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân dân tộc thiểu số, doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; quan tâm phát triển kinh tế hợp tác với vai trò nòng cốt của hợp tác xã.
Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Ảnh: H.D |
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 41-NQ/TW cũng đề ra nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế. Đây là một bước tiến rất lớn trong quan điểm, có ý nghĩa về lâu dài.
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW khiến đội ngũ doanh nhân rất phấn khởi khi tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân, đồng thời đề cao đây là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho rằng: “Cần phải đẩy mạnh truyền thông về Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nguyên-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho hay: “Nghị quyết số 41-NQ/TW xác định vai trò của đội ngũ doanh nhân là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Đây là bước ngoặt, nâng tầm vai trò không thể thiếu của đội ngũ doanh nhân-những người không chỉ thuần túy làm kinh tế, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội mà còn tham gia đảm bảo quốc phòng-an ninh. Thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu cho tỉnh để có chương trình triển khai nghị quyết này”.