Thời sự - Bình luận

Điểm vào ĐH thấp: Lãng phí nguồn lực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những thông tin về số lượng sinh viên bị đình chỉ học tập do không đủ sức theo đuổi việc học hoặc không thể tốt nghiệp đúng hạn ngày càng nhiều.

Trong số nhiều nguyên nhân, phải kể đến việc sinh viên chọn không đúng ngành học hoặc năng lực có hạn, không theo kịp chương trình ở bậc ĐH.

Các trường hợp như nói trên thật đáng tiếc vì các em mất cả thời gian, công sức suốt nhiều năm nhưng cuối cùng không có tấm bằng tốt nghiệp để ra trường làm công việc phù hợp. Cũng có khi dù tốt nghiệp nhưng năng lực giới hạn nên sinh viên (SV) phải làm những việc không cần bằng ĐH. Sự lãng phí này không chỉ với SV và gia đình, mà rộng ra còn đối với xã hội, nhất là trong giai đoạn nguồn lực nào từ trung cấp đến ĐH cũng cần có tay nghề và chất lượng cao.

Tự chủ trong tuyển sinh nhiều năm qua đã tạo cho các trường ĐH một cơ chế thoáng, giúp các trường có điều kiện phát triển. Khi các trường được sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau thì không chỉ thí sinh (TS) có nhiều cơ hội vào ĐH mà chính các trường cũng chọn được TS như mong muốn. Chưa kể, hiện nay ngoài 2 ngành khoa học sức khỏe và sư phạm, Bộ GD-ĐT đề ra điểm sàn (mức điểm tối thiểu nộp hồ sơ xét tuyển), các ngành còn lại do các trường tự đặt ra mức sàn. Vì thế mới dẫn đến tình trạng có độ lệch rất lớn về điểm sàn do các trường công bố, từ 14 đến 24,5 điểm. Nghĩa là có những trường/ngành TS phải hơn 8 điểm/môn mới đủ điều kiện nộp hồ sơ thì cũng có TS mỗi môn chưa tới 5 điểm đã đủ điều kiện.

Do đó, nếu trước đây vào ĐH cực kỳ khó thì ngày nay con đường này hết sức thuận lợi, trừ những ngành, những trường thuộc tốp đầu, đang được đông đảo TS quan tâm. Bên cạnh đó, nhiều ngành, nhiều trường, đặc biệt những trường ĐH địa phương hoặc tư thục tốp dưới, để có được nguồn tuyển, sẵn sàng lấy mức điểm thấp nhất vì không có quy định nào cấm. Năm nay, việc này càng khiến xã hội lo lắng khi theo công bố của Bộ GD-ĐT, trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 toàn quốc tăng 0,22 điểm so với năm 2023, đạt mức 6,682 điểm. Chưa kể, càng thấy lo ngại hơn khi mức sàn nhiều trường ĐH thậm chí còn thấp hơn cả điểm trúng tuyển của một số trường CĐ. Trong khi CĐ là hướng đến thực hành; còn ĐH, theo lẽ thông thường, ít nhiều ở mức cao hơn về trình độ, tư duy…

Tất nhiên các trường cho rằng đây chỉ là mức sàn và có thể sẽ thay đổi khi công bố điểm chuẩn, có khi theo hướng tăng lên. Nhưng kinh nghiệm nhiều năm cho thấy hầu hết đây cũng là mức điểm trúng tuyển.

Điểm xét tuyển quá thấp, đặc biệt ở những ngành liên quan khoa học kỹ thuật, công nghệ, sẽ khiến SV tuy vào ĐH nhưng có thể không thể tiếp tục theo đuổi hành trình, dở dang kế hoạch. Còn xã hội lại mất đi một nguồn lao động phù hợp ở trình độ khác, như CĐ hay trung cấp chẳng hạn. Vì nếu đặt đúng chỗ, đúng năng lực, biết đâu những SV này sẽ phát huy được thế mạnh của mình.

Tự chủ phải đi kèm với tự chịu trách nhiệm. Trong tuyển sinh, các trường ĐH, ngoài chỉ tiêu phải đạt, cũng cần trách nhiệm với xã hội để tạo ra nguồn lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội. Đề án quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và CĐ sư phạm trong tương lai hy vọng sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay của hệ thống này.

Có thể bạn quan tâm