(GLO)- 60 năm về trước, những chiến sĩ Điện Biên anh hùng “đầu nung lửa sắt” đã lập nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đập tan dã tâm xâm lược, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc Việt Nam đi đến kết thúc. Những cái tên: đồi A1, Him Lam, Độc Lập, cánh đồng Mường Thanh… đã đi vào lịch sử, tô thắm thêm truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam. 60 năm qua, những người ở lại cùng bao thế hệ tiếp nối đã và đang viết tiếp trang sử mới ngay trên chính mảnh đất lửa son hôm nào…
Một góc thành phố Điện Biên Phủ hôm nay. Ảnh: Minh Triều |
“Chín năm làm một Điện Biên…”
“56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm/Mưa dầm, cơm vắt” đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Cứ điểm kiên cố nhất Đông Dương-“con nhím” Điện Biên Phủ, được mệnh danh là “pháo đài bất khả xâm phạm” của giặc Pháp bị xóa sổ hoàn toàn.
Kể từ ngày 13-3-1954, bắt đầu là cứ điểm khu đề kháng Him Lam, nơi án ngữ vị trí phía Bắc của Điện Biên Phủ (phân khu Bắc bao gồm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo) nhằm ngăn chặn hướng tấn công của Việt Minh từ Tuần Giáo vào. Đây là một trong những căn cứ hỏa lực cực mạnh của địch với sự có mặt của Lữ đoàn Lê Dương-đội quân tinh nhuệ được mệnh danh bất khả chiến bại của Pháp trên khắp các chiến trường trước đó. Chỉ sau gần 6 tiếng rưỡi chiến đấu, phòng tuyến phía Bắc ở trung tâm đề kháng Him Lam bị xóa sổ. Tiếp đó là Độc Lập, Bản Kéo cũng lần lượt bị quân ta hất văng.
Cánh đồng lúa ở Mường Phăng. Ảnh: Minh Triều |
Ở cánh Đông bao gồm các cứ điểm: cánh đồng Mường Thanh và 5 điểm cao quan trọng: E, D1, C1, C2 và A1. Để phá vỡ các cứ điểm này, quân ta đã phải đào hàng ngàn km hầm hào để di chuyển, tiếp cận và thọc sâu vào lòng địch tiến công. Ác liệt nhất là tại cứ điểm đồi A1, nơi hơn 2.500 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh để giành quyền kiểm soát cứ điểm trọng yếu-lá chắn thép bảo vệ toàn bộ căn cứ đầu não hầm chỉ huy của Pháp ở phía sau chỉ 500 mét.
Được tách ra từ tỉnh Lai Châu năm 2003, sau hơn 10 năm xây dựng, trưởng thành, kinh tế-xã hội Điện Biên đã có nhiều khởi sắc: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,55%; GDP đạt 20,41 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm đều qua các năm. Tình hình chính trị, quốc phòng-an ninh được giữ vững; công tác an sinh xã hội, y tế, giáo dục được quan tâm… |
Khoảng 17 giờ ngày 7-5, 5 chiến sĩ thuộc Đại đội 360 gồm: Tạ Quốc Luật, Hoàng Đăng Vinh, Bùi Văn Nhỏ, Nguyễn Văn Lam và Đào Văn Hiếu đã áp sát buồng làm việc của tướng Đờ-cát và các cộng sự, khống chế toàn bộ. Sở chỉ huy Pháp giương cờ trắng đầu hàng, ra lệnh chấm dứt phản công tại tất cả các cứ điểm đồng thời ngừng ném bom Điện Biên. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, kho xăng, đạn dược, quân trang quân dụng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp, bảo vệ thành công thành quả của Cách mạng Tháng Tám, góp phần đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơnever, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia. “Điện Biên Phủ được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” (Lê Duẩn).
Khách tham quan cứ điểm đồi A1 nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Minh Triều |
Điện Biên Phủ trong mốc son 60 năm
Suốt từ giữa tháng 3, không khí chào đón ngày lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tràn ngập khắp mọi nẻo đường, mái nhà dân ở TP. Điện Biên Phủ. Cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay trong nắng đầu hạ chói chang, lòng người thêm hân hoan, phấn khích.
Các cứ điểm gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ, như: đồi A1, C1, D1, khu đề kháng Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo và xa hơn nữa là khu căn cứ trung tâm đầu não chỉ huy chiến dịch của ta ở Mường Phăng, dòng người chảy về tấp nập. Những cụ già trên 70-80 tuổi trong bộ quân phục người lính, những gia đình từ khắp mọi miền, thanh niên, phụ nữ, trẻ nhỏ… tìm về đây để tận mắt nhìn thấy vùng chiến địa ác liệt năm xưa và sống trong những ngày tháng thiêng liêng này. Trong trái tim mỗi người đều trào dâng lên những dòng cảm xúc tự hào.
Đường Võ Nguyên Giáp rực rỡ cờ hoa trong dịp đại lễ. Ảnh: Minh Triều |
Nhiều nhất có lẽ là các cựu chiến binh thăm lại chiến trường, trong đó có người là lính Điện Biên năm xưa từng hòa mình trong những ngày đỏ lửa, giành giật từng tấc đất với quân xâm lược hung bạo và hùng mạnh bậc nhất thuở bấy giờ. Những người lính Điện Biên trong bộ quân phục, đeo trên ngực tấm huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên như một niềm tự hào, một sự trận trọng với quá khứ lẫy lừng thời tuổi trẻ-một thời chẳng thể nào quên và cả dân tộc mãi mãi khắc ghi.
Cụ Lê Ngọc Quỳnh (81 tuổi) và vợ-bà Phạm Minh Thúy (78 tuổi) ở Phố Huế-Hà Nội, cả hai vợ chồng đều tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Mặc cho tuổi cao sức yếu vẫn cùng nhau về thăm lại chiến trường xưa. “Lần trước tôi về thăm khi ấy là kỷ niệm 50 năm. Mới 10 năm thôi mà bây giờ Điện Biên khác quá. Trước nghèo và hoang sơ lắm, giờ phố xá đông đúc, đẹp đẽ lắm rồi”-cụ Quỳnh, chia sẻ. Con gái hai cụ tâm sự rằng, không hiểu sao khi về Điện Biên ông lại có thể đi được quãng đường bộ xa như thế. Trước nay, bởi vết thương chiến tranh và trận tai biến đã khiến việc đi lại của ông trở nên khó khăn vô cùng…
Điểm du lịch hồ Pa Khoang. Ảnh: Minh Triều |
60 năm bước ra khỏi chiến tranh, một vùng đất hào hùng trong lịch sử lại tiếp tục vươn những bước đi mạnh mẽ và vững chãi trên con đường phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới. Con đường Võ Nguyên Giáp chạy xuyên thành phố không chỉ ghi dấu giá trị lịch sử mà còn là tuyến phố trung tâm, phát triển sôi động bậc nhất thành phố. Hàng ngàn ha lúa hưởng lợi từ công trình đại thủy nông Nậm Rốm, các dự án đưa cây cao su, cà phê… bên cạnh tiềm năng du lịch lịch sử, du lịch sinh thái đang hứa hẹn mang đến sự đổi thay cho vùng đất lửa Điện Biên.
Lê Hòa-Minh Triều