Khoa học - Công nghệ

Điện thoại phím bấm khan hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thị trường điện thoại di động sử dụng phím bấm trở nên khan hàng ở nhiều nơi khi người dân bắt đầu chuyển đổi từ “cục gạch” 2G sang “cục gạch” 4G.

Nhu cầu sử dụng tăng cao

Còn chưa đầy 1 tháng nữa, các loại điện thoại chỉ hỗ trợ công nghệ 2G (2G only) sẽ không thể kết nối vào mạng viễn thông, buộc người dùng phải chuyển sang sử dụng điện thoại di động có công nghệ cao hơn như smartphone 4G hoặc feature phone 4G (dòng điện thoại di động sử dụng bàn phím có hỗ trợ 4G). Khoảng 2 tuần nay, thị trường điện thoại di động khá sôi động, đặc biệt dòng điện thoại phím bấm trở nên khan hàng.

Nhân viên cửa hàng Thế giới di động giới thiệu về các tính năng của smartphone, hỗ trợ khách hàng chuyển đổi. Ảnh: T.N

Nhân viên cửa hàng Thế giới di động giới thiệu về các tính năng của smartphone, hỗ trợ khách hàng chuyển đổi. Ảnh: T.N

Bà Trần Thị Thu Hiền (tổ 1, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) cho hay: “Từ đầu tháng 8 đến nay, điện thoại của tôi nhận được tin nhắn về việc từ ngày 16-9-2024, các nhà mạng sẽ ngừng cung cấp dịch vụ cho các thuê bao sử dụng điện thoại 2G. Ban đầu, tôi dự định sử dụng máy phím bấm nhưng đi đến cửa hàng điện thoại thứ 3 mà vẫn không có máy để mua. Vậy nên tôi quyết định thêm tiền mua smartphone”.

Còn bà Lê Thị Sanh (hẻm 96 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) thì cho biết: “Con trai tôi đã đi tìm mua loại điện thoại “cục gạch” từ mấy ngày nay nhưng các cửa hàng đều hẹn vài ngày nữa mới có hàng về. Sau đó, cháu nói chở bố mẹ ra cửa hàng mua điện thoại cảm ứng nhưng tôi chưa đồng ý vì không quen sử dụng loại này”.

Hiện nay, hầu hết cửa hàng của Thế giới di động, Điện máy Xanh, FPT, Viettel đều “cháy hàng” điện thoại di động phím bấm. Trong khi đến ngày 13-8, toàn tỉnh vẫn còn 115.000 thuê bao sử dụng điện thoại 2G only phải chuyển đổi.

Anh Đoàn Tấn Hưng-Trưởng ca Cửa hàng Viettel Store (01 Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku) thông tin: “Hiện cửa hàng còn loại máy feature phone 4G của hãng Nokia. Loại này đang được bán với giá 680 ngàn đồng. Tuy nhiên, nhiều người cho biết, loại này giá cao nên cũng không ưu tiên chọn lựa. Nếu khách hàng không mua được máy Masstel với giá 390 ngàn đồng thì họ mới chọn mua máy Nokia”.

Các nhà mạng đang tích cực hỗ trợ khách hàng chuyển đổi sang 4G. Ảnh: V.T

Các nhà mạng đang tích cực hỗ trợ khách hàng chuyển đổi sang 4G. Ảnh: V.T

Theo anh Bùi Văn Việt-Quản lý Điện máy Xanh (47 Trần Phú, TP. Pleiku): Hiện nay, hệ thống 25 cửa hàng Điện máy Xanh trên toàn tỉnh đang trong tình trạng khan hàng điện thoại phím bấm do được phân bổ rất nhỏ giọt, trong khi nhu cầu rất lớn. Điện máy Xanh đang có chương trình thu điện thoại 2G và hỗ trợ mua smartphone. Khoảng 5 ngày gần đây, lượng khách đến mua điện thoại tăng 50%.

Cũng trong tình trạng thiếu hàng, FPT shop (39 Trần Phú, TP. Pleiku) phải liên tục hẹn khách đến mua sau. Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền-Trưởng ca-chia sẻ: “Tuần trước, cửa hàng nhận về 70 máy điện thoại phím bấm nhưng đã bán hết. Lúc còn hàng, khách hàng chủ yếu chọn dòng Masstel giá 390-500 ngàn đồng/máy hoặc dòng Nokia 680-720 ngàn đồng/máy”.

Tăng cường kiểm soát thị trường

Thiếu tá Phùng Văn Mẫn-Giám đốc Viettel Gia Lai-cho biết: Viettel vẫn còn hơn 97.800 thuê bao đang dùng thiết bị 2G. Tuy nhiên, đơn vị chỉ đảm bảo khoảng 10-15% thiết bị thay thế. Hiện nay, một số khách hàng mua máy 4G trôi nổi ngoài thị trường (sóng 4G ảo). Đây là hàng giả nên lắp sim 1-2 ngày bị lỗi, ra cửa hàng Viettel kiểm tra vẫn là máy 2G.

Để tránh bị thiệt hại, người dân nên mua hàng tại các cửa hàng bán điện thoại chính hãng như: Viettel Store, FPT, Thế giới di động… để tránh bị lừa mua điện thoại giả.

Lực lượng QLTT ra quân kiểm tra mặt hàng điện thoại đi động trên toàn tỉnh. Ảnh: T.N

Lực lượng QLTT ra quân kiểm tra mặt hàng điện thoại đi động trên toàn tỉnh. Ảnh: T.N

Về công tác quản lý trên địa bàn, ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh-thông tin: “Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra việc tăng cường đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng, an ninh thông tin trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt tình hình thị trường, diễn biến cung-cầu, giá bán của mặt hàng điện thoại di động, từ đó có giải pháp góp phần ổn định thị trường.

Chủ động giám sát, phối hợp với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong kinh doanh mặt hàng điện thoại di động. Trong đó, chú trọng kiểm tra các hành vi kinh doanh điện thoại di động cơ bản 2G không tích hợp chức năng 4G, điện thoại 2G giả sóng 4G, kinh doanh điện thoại di động nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quy định về hợp quy, vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu trên địa bàn”.

Toàn tỉnh còn hơn 100.000 thuê bao sử dụng điện thoại 2G, chiếm khoảng 8% thuê bao di động toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc hỗ trợ máy chỉ mới đáp ứng khoảng 10-15% nhu cầu (tùy từng nhà mạng).

Có thể bạn quan tâm