(GLO)- Theo Thông tư 42/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 11-2-2017, tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội có sự điều chỉnh.
Ảnh minh họa (Internet). |
Cụ thể, mức điều chỉnh được tính trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm do Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hàng năm. Mức điều chỉnh sẽ được áp dụng khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính. Căn cứ quy định trên, hàng năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định mức điều chỉnh tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Việc điều chỉnh này là cách để đảm bảo công bằng về mức hưởng bảo hiểm xã hội giữa các đối tượng tham gia. Phần điều chỉnh lên chính là phần trượt giá của đồng tiền qua các năm. Để thực hiện điều chỉnh tiền lương, tiền công, thu nhập đã đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định, cơ quan Bảo hiểm Xã hội tiến hành bổ sung, chỉnh sửa phần mềm xét duyệt giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội để đảm bảo mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội được chính xác, đầy đủ. Do hiệu lực thi hành của Thông tư bắt đầu từ ngày 11-2-2017, số người đã giải quyết hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, tuất một lần từ ngày 1-1-2017 đến nay khi tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội chưa tính điều chỉnh theo Thông tư 42, cơ quan Bảo hiểm Xã hội tự động thực hiện kiểm tra, rà soát, điều chỉnh lại mức hưởng bảo hiểm xã hội để chi trả cho người lao động.
Như Ý-Văn Hùng