Thời sự - Bình luận

Điều hành giá linh hoạt, phù hợp diễn biến thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước những biến động về giá một số hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu thời gian qua, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
 

 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thực tế trong hơn hai tháng đầu năm cho thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã chủ động bám sát tình hình và có các giải pháp kịp thời về công tác điều hành giá.

Theo Bộ Tài chính, đến nay, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới tiếp tục gia tăng. Điều này tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung.

Dự báo công tác quản lý điều hành giá đến cuối năm rất khó khăn, không được chủ quan. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành để ổn định nguồn cung; nắm bắt dự báo, diễn biến giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành phù hợp; sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý, linh hoạt để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước.

Tổ chức thực hiện và chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng giá xăng dầu tăng để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý...

Về điều hành giá xăng dầu, Bộ Công thương cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, nhờ có Quỹ bình ổn giá xăng dầu, chúng ta đã kìm được mức tăng của giá xăng dầu trong nước so với thế giới. Nếu như giá xăng dầu thế giới tăng từ 44-60% (tùy mặt hàng) thì ở Việt Nam chỉ biến động từ 20-39%.

Để bảo đảm nguồn cung trong quý II, Bộ đã giao 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Nếu không có diễn biến quá bất thường, chúng ta vẫn bảo đảm được nguồn cung. Bộ sẽ tiếp tục bàn bạc với các nhà sản xuất xăng dầu trong nước để có biện pháp phù hợp đáp ứng nguồn cung trong quý III.

Tổng cục Thống kê cho biết, qua phân tích diễn biến tốc độ tăng CPI tại một số nước trên thế giới và so sánh diễn biến trong nước, có thể khẳng định thời gian qua, chúng ta đã tránh được “bão giá”. Tuy chúng ta chịu tác động lớn của giá xăng dầu, nhưng trong giỏ hàng, quyền số mặt hàng xăng dầu không cao như các nước.

Bên cạnh đó, chúng ta có “trụ đỡ” về lương thực, thực phẩm, chủ động được nguồn cung, cân đối cung cầu; đồng thời, chúng ta đã ban hành và thực hiện một loạt các giải pháp giảm thuế đã được áp dụng nên đã kìm được mức tăng CPI.

Tuy nhiên, để nâng hiệu quả công tác điều hành giá thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động vào cuộc, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường để sẵn sàng các biện pháp ứng phó; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về giá; tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng xuất nhập hàng hóa trái phép qua biên giới…

Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái-Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, đánh giá đúng tình hình để bảo đảm đủ nguồn cung đối với từng mặt hàng cụ thể; không để xảy ra tình trạng nguồn cung không thiếu, nhưng cung cấp hàng hóa ra thị trường không kịp thời dẫn đến giá cả biến động, dư luận phản ứng.

Đối với điều hành giá xăng dầu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Chính phủ đã thông qua nghị quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu. Nếu được thông qua, chúng ta sẽ điều hành xăng dầu theo giá cơ sở mới từ ngày 1/4/2022.

Đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, trước mắt trong thời điểm hiện tại không xem xét tăng giá, đặc biệt là các dịch vụ công; yêu cầu các bộ, ngành chuẩn bị các phương án để xem xét điều chỉnh vào thời điểm thích hợp. Đối với những mặt hàng Nhà nước không định giá, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá; kiểm tra chặt chẽ những trường hợp có dấu hiệu bất thường, những mặt hàng tác động lớn đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là người nghèo; xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng để trục lợi.

Theo BẢO TRÂN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm