Thời sự - Bình luận

Đĩnh đạc giữa thế giới biến động

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam và hai nước đã đạt nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng, được thể hiện thông qua tuyên bố chung.

Nổi bật trong đó là những thỏa thuận về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật. Đây là dấu ấn mới quan trọng cho quan hệ Việt - Nga vốn có gần 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao liên tục.

Như vậy, trong vòng chưa đầy 1 năm, nguyên thủ của 3 quốc gia gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga đã thăm chính thức VN. Đây là điều không diễn ra với các quốc gia nào khác hiện nay. Bởi thực tế, thế giới đang đối diện nhiều bất ổn với sự cạnh tranh, cọ xát quyết liệt giữa các cường quốc.

Điều đó đặt ra áp lực lớn đối với nhiều quốc gia về nguy cơ phải "chọn phe". Tuy nhiên, bằng chính sách ngoại giao hiệu quả và chân thành, với bản sắc "cây tre Việt Nam", chúng ta chẳng những không bị cuốn vào "phe" nào mà còn có thể cùng lúc phát triển quan hệ tốt đẹp với nhiều bên. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược với cả 5 thành viên HĐBA LHQ. Trong đó có 3 thành viên là Trung Quốc, Nga và Mỹ đều là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.

Đọc lại toàn bộ các thông cáo chung của Việt Nam với các nước sau những chuyến thăm chính thức nói trên, một điều dễ nhận thấy là không có bất cứ câu từ nào mang tính nhằm vào nước thứ ba nào khác. Trong các bản thông cáo chung, liên quan vấn đề quốc tế thì đều là những điều hướng đến đóng góp cho hòa bình và phát triển của thế giới, kết hợp cùng các cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế. Điều này chứng minh sự vững vàng, độc lập, tự chủ trong quan hệ của Việt Nam với các nước.

Thời gian qua, không chỉ có các chuyến thăm của 3 vị nguyên thủ nói trên, mà còn rất nhiều lãnh đạo, quan chức cấp cao các nước khác cũng đã thăm Việt Nam. Ngược lại, các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng liên tục có nhiều hoạt động đối ngoại, công du và tham gia nhiều diễn đàn, hội nghị quan trọng trên thế giới. Xuyên suốt các hoạt động đối ngoại đó thì kinh tế luôn là trụ cột quan trọng mà chúng ta thảo luận, tìm cách tăng cường hợp tác, phát triển dựa trên nền tảng quan hệ các bên cùng có lợi và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trụ cột kinh tế cũng được thể hiện rất rõ trong các quan hệ quốc tế khi Trung Quốc cùng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều là các đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, đồng thời cũng giữ 4 vị trí đầu tiên trong nhóm các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việc tăng cường hợp tác quốc tế đa dạng đã mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế để nâng cao hơn nữa năng lực nội tại nhằm củng cố sự tự chủ, tạo ra tác động tương hỗ ngược lại để Việt Nam tăng cường vị thế vững vàng hơn trong quan hệ quốc tế.

Kết quả đó góp phần quan trọng định hình vị thế đĩnh đạc của Việt Nam giữa một thế giới đang đầy biến động.

Có thể bạn quan tâm