(GLO)- Không chỉ chỉnh chiêng giỏi nhất vùng, anh Đinh Hlich (làng Tờ Nùng Măng, xã Ya Ma, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) còn chế tác nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Đặc biệt, anh luôn nỗ lực truyền lại kiến thức về âm nhạc cho thế hệ trẻ trong làng.
Anh Đinh Hlich là nghệ nhân trẻ duy nhất ở xã Ya Ma biết chế tác các loại nhạc cụ truyền thống của người Bahnar như: đàn đá, đàn t’rưng, đàn goong… Anh dành một góc nhỏ trong nhà để trưng bày các loại nhạc cụ, vật dụng truyền thống do chính tay mình làm ra. Không chỉ có tài chế tác, nghệ nhân 38 tuổi này còn làm say lòng người bởi những thanh âm mang đậm hơi thở của núi rừng.
Từ khi lên 5 tuổi, Hlich đã theo cha và người già trong làng đi biểu diễn vào những dịp lễ mừng lúa mới, đám cưới, bỏ mả... Tối về, khi mọi người đem cồng chiêng và các nhạc cụ ra lau chùi, anh ngồi bên nghe họ phân tích ý nghĩa của từng loại. Lớn hơn, anh được cha hướng dẫn cách đánh chiêng, trống, đàn t’rưng, đàn đá… rồi đam mê lúc nào không hay.
Anh tâm sự: “Âm nhạc Bahnar theo mình từ lúc còn nằm trên lưng mẹ. Rồi niềm đam mê nhạc cụ truyền thống của dân tộc cứ lớn lên dần theo năm tháng. Khi được cha và những người già truyền cảm hứng, mình càng say mê. Mỗi loại nhạc cụ, mình thấy có nét độc đáo riêng nên quyết định dành nhiều thời gian tìm hiểu để có thể chơi hay và chế tác”.
Anh Đinh Hlich nổi tiếng là nghệ nhân đa tài chế tác các loại nhạc cụ dân tộc của người Bahnar. Ảnh: Trần Dung |
Một trong những nhạc cụ nổi tiếng được anh Hlich chế tác là đàn đá. Theo anh, để làm một bộ đàn đá cũng khá dày công, tốn sức. Anh cho biết: “Làng mình từ lâu không còn ai biết làm và chơi đàn đá. Sau khi tham gia một số lễ hội ở các địa phương khác, mình bỗng nhớ lại âm thanh của loại đàn này và bắt đầu mày mò tìm cách chế tác. Mình đã ở ngoài bãi đá gần 10 ngày chỉ để tìm những viên đá có thanh âm khác nhau. Sau đó, mình về gọt giũa, đục đẽo chúng để trở thành những viên đá có âm thanh như ý muốn”. Rồi bộ đàn đá ấy đã được chơi trong những ngày lễ hội của làng, được anh và các bạn trẻ trong làng đưa đi biểu diễn ở các cuộc thi.
Già làng Đinh Têl chia sẻ: “Đinh Hlich còn trẻ nhưng rất đa tài. Nhờ có nó mà âm thanh của đàn đá xuất hiện trở lại sau nhiều năm vắng bóng ở Tờ Nùng Măng. Nó còn là đứa chịu khó học hỏi để trở thành nghệ nhân chỉnh chiêng, chế tác nhạc cụ. Có Hlich, lũ trẻ trong làng cũng được truyền lửa đam mê, theo học đàn, học nhạc”.
Quả như lời già làng Đinh Têl, nhiều bạn trẻ trong làng đã tìm đến ngôi nhà nhỏ của anh Hlich chỉ để “mục sở thị” bộ đàn đá, để được tận tai nghe anh đánh đàn. Và rồi, ai cũng thích, cũng say mê tiếng đàn trong trẻo được phát ra từ bộ đàn đá.
Nhiều thanh thiếu niên trong làng đến tìm hiểu cây đàn đá anh Hlich vừa chế tác. Ảnh: Trần Dung |
Để cây đàn đá vào góc nhà, anh Hlich lấy ra cây đàn t’rưng rồi bảo: “Mình mới làm xong đấy. Cũng không nhớ nổi đây là cây đàn t’rưng thứ bao nhiêu mình đã làm”. Anh Hlich cho rằng, âm sắc của đàn t’rưng hơi đục, tiếng không vang xa nhưng khá đặc biệt. Nghe tiếng đàn t’rưng có cảm giác như tiếng suối róc rách, tiếng thác đổ, tiếng xào xạc của rừng tre nứa khi gió thổi. “Mới đầu cũng làm hư, làm sai nhưng từ từ rồi mình dần quen, giờ thì làm thành thạo rồi. Hiện nay, nhiều người đặt mua đàn t’rưng do mình làm”-anh Hlich vui mừng nói.
Khi tận mắt chứng kiến góc phòng nhỏ chứa đầy nhạc cụ, vật dụng truyền thống do chính tay anh Hlich chế tác, chúng tôi khá bất ngờ. Từ đàn đá, đàn t’rưng, đàn goong… cho đến những cây tiêu, cây nỏ đều được để gọn gàng, ngăn nắp.
Chị Đinh Thị Nguyên-Bí thư Đoàn xã Ya Ma-cho biết: “Ngoài việc giỏi chế tác nhạc cụ, anh Đinh Hlich còn thành công trong việc “truyền lửa” đam mê nhạc cụ truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ trong làng. Anh còn là một trong những thành viên kỳ cựu của đội cồng chiêng xã. Anh cùng bà con tham gia nhiều cuộc thi và giành nhiều giải thưởng”.
TRẦN DUNG