(GLO)- Lý giải về những đình, miếu có lịch sử hàng trăm năm trên vùng đất cửa ngõ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-người có nhiều công trình nghiên cứu giá trị về văn hóa-lịch sử vùng Bắc Tây Nguyên cho biết: “Dấu ấn của người Việt trên vùng đất An Khê đã có từ cách đây hơn ba thế kỷ. Những người Việt đầu tiên tiến vào Tây Nguyên qua vùng đất cửa ngõ đã hình thành những vạn, trại rồi lập những làng người Việt đầu tiền trên vùng An Khê và của cả Bắc Tây Nguyên. Dấu ấn của những làng Việt cổ vẫn còn rất đậm đặc, nhất là những kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa-lịch sử qua bao thế kỷ”. Đó là những đình làng, miếu mạo dày đặc trên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo. Trầm tích thời gian đã phủ rêu xanh lên hầu hết những kiến trúc cổ, nhưng nó lại gợi không ít suy tưởng cho những người muốn tìm về chốn xưa…
Đất di tích
Di tích Lịch sử quốc gia-An Khê đình. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Với lịch sử trăm năm, nhiều giá trị văn hóa-lịch sử của vùng đất An Khê đã hóa trầm tích. Tuy nhiên, ngoài di tích Tây Sơn Thượng đạo được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, nhiều kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa ở đây chủ yếu do người dân gìn giữ, tôn tạo. Chỉ tính riêng về đình làng, An Khê có khoảng 11 đình cổ có lịch sử cả trăm năm, chưa kể những chùa chiền, miếu mạo hiện hữu khắp nơi trên vùng đất này. Nhiều đình làng vẫn gìn giữ nguyên vẹn sắc phong vua ban như: đình Tân Lai, đình Tân Tạo, đình An Khê…
Lang thang An Khê trong buổi chiều cuối năm, ông Lê Văn Hiệp-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã đưa chúng tôi tham quan một kiến trúc cổ của ngôi đình Tân Lai có lịch sử gần 200 năm. Đình vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc của người Việt cổ từ mấy trăm năm trước dù trải qua không ít thăng trầm, từ cuộc tranh vương bá quyền lật đổ triều đại Tây Sơn của nhà Nguyễn đến hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Ngôi đình trầm mặc, nằm giữa một nơi vắng vẻ, phía trước là cánh đồng mênh mông. Cổng đình có mái lợp bằng ngói, nhưng tất cả những gì bên trong dường như không còn kiên nhẫn với thời gian sau gần 200 năm mưa nắng. Mối mọt đã “xông” vào giữa thân cột, rêu đã phủ xanh bên ngoài những cột trụ, vỉ kèo, che phủ lên những chạm khắc tinh xảo trên hai đầu rồng hướng ra đường khiến lối vào ngôi đình cổ càng nhuốm màu thời gian. Sau bao lần tôn tạo, người nông dân vẫn cố gắng giữ nguyên vẹn kiến trúc xưa, đặc biệt là cổng đình vẫn nguyên vẹn từ ngày lập đình từ cách đây gần 2 thế kỷ.
Hơi ấm trăm năm
Đình Tân Lai hình thành cách đây gần 200 năm vẫn còn giữ nguyên vẹn kiến trúc cổng đình cổ. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Chúng tôi đã lang thang qua nhiều đình làng, từ An Khê đình, đình làng Cửu An, đình Cửu Định, đình Tân Lai cho đến ngôi đình chỉ còn trong tâm thức của người dân: đình Tân Tạo. Nói thế là bởi đình Tân Tạo cũng là một ngôi đình cổ, còn nguyên vẹn sắc phong từ thời Gia Long nhưng hiện chưa có địa điểm lập đình sau khi đình cũ bị hư hỏng trong chiến tranh. Sau giải phóng, khu vực ấy thuộc quyền quản lý của một đơn vị quân đội nên không thể dựng lại đình trên đất cũ. Các bậc bô lão vẫn giữ sắc phong chờ ngày tìm vị trí mới lập đình. Ông Lê Văn Hiệp cho biết, tuy không có đình làng, nhưng năm nào vào dịp Tết, người làng Tân Tạo vẫn tổ chức cúng đình rất trang trọng. Họ chọn một gia đình có sân rộng rãi, mổ heo mổ gà, kính cẩn mang sắc phong ra trước trời đất cúng kính, tỏ lòng biết ơn các vị tiền nhân có công khai thôn lập ấp, sau đó cầu mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, viên mãn.
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã khẳng định: Nếu không có người dân chăm sóc, bảo vệ, tôn tạo, những đình làng không thể tồn tại được đến hôm nay. Dù chỉ vài dịp trong năm, đình mới mở cửa nhóm họp, cúng kính nhưng đình làng đã “sống” trong đời sống tinh thần của người dân rất khăng khít suốt nhiều thế kỷ. Người nông dân thuần hậu vẫn chăm sóc cho đình làng một cách chu đáo và lặng lẽ. Vào dịp Tết, những làng có điều kiện còn thuê hẳn gánh hát bội về đình phục vụ người dân suốt ba ngày Tết. Sau Tết, các làng tổ chức cúng đình, cầu an, dân làng tụ họp về đình đông vui như hội. Năm nào cũng vậy, cứ mùng 10 trở đi cho đến hết tháng Giêng, các đình làng lại tổ chức cúng kính linh đình, hết làng này đến làng khác.
Hoàng Ngọc