(GLO)- Trong tập thơ “Chợt” của Văn Công Hùng vừa mới xuất bản, tự nhiên lọt vào một bài thơ rất truyền thống “Đình làng”. Truyền thống từ thể thơ lục bát như ca dao đến những câu chữ tràn đầy hình tượng đặc trưng của làng quê Việt.
“Đình xoay một góc Việt cong/bao thân phận mãi long đong kiếp người/làng như giọt mực của trời/viết muôn vạn những cuộc đời thân thương/đình làng phơi nắng ngậm sương/ướp hồn quê những vô thường nghìn năm/làng nghiêng theo buổi trăng rằm/này na này lựu này tằm này dâu/đình làng vô tận nông sâu/bao dông bão vẫn mái đao dịu dàng/đình làng kết dọc nối ngang/bàn chân thập thững ngỡ ngàng quê hương/cột lim mềm mại vấn vương/ngàn năm người Việt nhớ thương tìm về/đình làng bện những câu thề/tiếng cười treo giữa bốn bề mắt nhau...”. Một tứ thơ rất độc đáo, nói về ngôi đình mà cứ đau đáu về hồn quê, về đời người với bao giãi dầu mưa nắng, với bao thăng trầm thân phận nhà nông.
Biểu tượng nổi bật nhất của làng Việt xưa là: cây đa, giếng nước, sân đình. Ở đó hội tụ hồn quê Việt, “ướp hồn quê những vô thường nghìn năm”! Người Việt xưa có nếp truyền thống “trong họ, ngoài làng”, không những tôn quý ngôi nhà thờ họ mà ai cũng quý trọng ngôi đình làng. Ngôi đình biểu trưng cho làng. Nó là nơi vừa thờ tự, vừa hành pháp, vừa tư pháp. Đình làng thờ thành hoàng làng, thờ đạo Nho, là nơi diễn ra bao lễ hội linh thiêng, cũng là nơi xử kiện phạt vạ, nơi tập trung quyền lực quản lý của làng. Đó là nơi thể hiện truyền thống “trọng lão”, “trọng trí” và “trọng quan viên” của người nhà quê xưa.
Ảnh minh họa. |
Thời Pháp thuộc, làng Việt có hai bộ máy cai trị gọi là Hội đồng Kỳ mục và Hội đồng Lý dịch. Hội đồng Kỳ mục (tương tự như HĐND xã bây giờ), cũng gọi là Hội đồng già làng, bao gồm những quan viên hưu trí (Tiên chỉ, Thứ chỉ), những người già (đàn ông) thông thạo chữ nghĩa, có uy tín trong cộng đồng. Đó là cơ quan mang tính tự quản của cộng đồng dân cư Việt. Hội đồng Kỳ mục không có quyền lực nhà nước, nhưng lại có thực quyền trong xét xử, quyết định nhiều việc của làng. Khi ngồi ở đình làng, Hội đồng Kỳ mục được xếp ngồi bên trái (người xưa quan niệm bên tả lớn quyền hơn bên hữu).
Hội đồng Lý dịch đại diện cho quyền lực nhà nước ở làng xã (tương tự như UBND xã bây giờ), bao gồm Lý trưởng, Phó lý, các hương chức... Tuy nhiên, người Việt xưa có câu: “Phép vua thua lệ làng”! Quyền lực nhà nước qua lũy tre làng thường bị khúc xạ bởi quyền lực già làng!
Hơn hết, bài thơ “Đình làng” nói về vẻ đẹp làng quê, vẻ đẹp hồn hậu của làng quê Việt một cách cổ kính, thăm thẳm: “đình làng vô tận nông sâu/bao dông bão vẫn mái đao dịu dàng”! Đó là một bức tranh lụa cổ đen trắng đầy hoài niệm được vẽ bằng thơ: “làng như giọt mực của trời/viết muôn vạn những cuộc đời thân thương”!
Đọc “Đình làng”, tôi lại liên tưởng đến một bài thơ lục bát khác của Văn Công Hùng: “Tượng mồ”. Một bài thơ thoảng hoặc chấm phá mà vẽ hết, ôm trọn văn hóa đời người vùng đất Tây Nguyên! Cũng là một tứ thơ hay đặc sắc về vùng đất anh đang sống!
Tuy nhiên ở câu kết rất tài của “Đình làng” lại có một chữ rất tiếc: “tiếng cười treo giữa bốn bề mắt nhau”. Giá là “bộn bề” mắt nhau thì nó sẽ đắc địa hơn. Là theo ý tôi như vậy!
Mùa xuân thong thả, được đọc bài thơ hay tứ đẹp về làng quê, là một người hoài cổ tôi cứ thấy lâng lâng ngọt ngào mãi trong tâm thức. Những lim, những ngói, những gạch... đã rêu phong bạc màu sương gió, đâu đó lại nao nao ùa về!
PHẠM ĐỨC LONG