Thời sự - Sự kiện

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với UBND tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 10-5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 4 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác trong thời gian tới.

Dự buổi làm việc về phía Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai có các ông, bà: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Mai Phương-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Đinh Ngọc Quý-Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Lê Hoàng Anh-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội; Đại tá Đinh Văn Thê-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Rơ Châm H’Phik-Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh.

Làm việc với Đoàn, có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thuỵ

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thuỵ

Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 4 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hoà-cho hay: Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nên các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu hầu hết đều bằng và vượt so với cùng kỳ năm 2023.

Vụ Đông Xuân 2023-2024, toàn tỉnh gieo trồng được 81.289,2 ha (tăng 405,1 ha); diện tích cây trồng bị sâu bệnh gây hại giảm đáng kể. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp tính chung 4 tháng đầu năm đạt 10.194,3 tỷ đồng (tăng 7,6% so với năm trước); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 42.395 tỷ đồng (tăng 15,21%); kim ngạch xuất khẩu đạt 474 triệu USD (tăng 52,9%); doanh thu vận tải đạt 1.816 tỷ đồng (tăng 7,2%). Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 2.477 tỷ đồng (đạt 44% dự toán Trung ương giao, đạt 42,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2023). Trong 4 tháng đầu năm, có 340 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 17,4%) với số vốn đăng ký là 3.520 tỷ đồng; nâng số doanh nghiệp hoạt động trên toàn tỉnh lên 9.699. Tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách nhà nước năm 2024.

Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm; du lịch tiếp tục khởi sắc. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Thực hiện tốt công tác đối ngoại. Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành tiếp tục chủ động rà soát các vướng mắc để tập trung tháo gỡ, tăng cường đi cơ sở, làm việc với địa phương; rà soát và tập trung giải quyết các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đức Thuỵ

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đức Thuỵ

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2024 mới phê duyệt được 9/17 địa phương; một số dự án xây dựng cơ bản kế hoạch năm 2024 chưa đủ điều kiện phân bổ vốn; chậm đề xuất kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh và Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng trên địa bàn Tây Nguyên; hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn; tình trạng hạn hán, thiếu nước ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân;…

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến với Chính phủ, các bộ ngành Trung ương nghiên cứu, tháo gỡ một số vướng mắc để hỗ trợ tỉnh trên các lĩnh vực: Nông nghiệp và PTNT; Công thương; Giao thông vận tải, Thông tin và truyền thông. Cụ thể: Sớm ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng; xem xét, bố trí nguồn vốn giải quyết kiến nghị của người dân liên quan Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, theo đó cần bổ sung kinh phí hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi và tìm kiếm việc làm cho các hộ dân bị thu hồi đất; sớm phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia để tỉnh triển khai thực hiện, đồng thời có cơ sở pháp lý để tổ chức quản lý bảo vệ và phát triển rừng theo đúng quy hoạch; hướng dẫn cụ thể các quy định của pháp luật về môi trường đến các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất chăn nuôi theo từng quy mô chăn nuôi…

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng thông qua buổi làm việc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nắm rõ được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của địa phương. Ảnh: Đức Thuỵ

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng thông qua buổi làm việc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nắm rõ được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của địa phương. Ảnh: Đức Thuỵ

Dịp này, các đại biểu cũng đề xuất Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Trung ương quan tâm, xem xét có cơ chế, chính sách riêng đối với dự án thực hiện hạng mục trồng, chăm sóc rừng; ban hành hướng dẫn cụ thể các điều của Nghị định số 32 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; sớm hướng dẫn, ban hành các quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, sớm phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không Pleiku thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn UBND tỉnh Gia Lai và UBND tỉnh Bình Định trong việc triển khai các thủ tục nghiên cứu đầu tư và phấn đấu hoàn thành trước năm 2030 tuyến đường Cao tốc Quy Nhơn-Pleiku…

Tại buổi làm việc, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan làm rõ một số ý kiến, kiến nghị được cử tri gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh cần cụ thể hóa từng nội dung đề xuất, kiến nghị để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, có ý kiến với các bộ, ngành Trung ương, với Quốc hội. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh xem xét lại một số nội dung đề xuất chưa phù hợp và xem xét bổ sung thêm các kiến nghị, đề xuất cần thiết, được cử tri quan tâm.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nêu kiến nghị, đề xuất. Ảnh: Đức Thuỵ

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nêu kiến nghị, đề xuất. Ảnh: Đức Thuỵ

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm khẳng định: Thông qua buổi làm việc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nắm rõ được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của địa phương để có hướng nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất. Đề nghị địa phương tiếp thu các ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để hoàn thiện các nội dung kiến nghị, đề xuất. Đồng thời, thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh hoạt động tiếp xúc chuyên đề giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với UBND tỉnh để trao đổi thông tin một cách cụ thể, sát thực trên tất cả các lĩnh vực.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn đề nghị UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tỉnh một cách đầy đủ và nghiêm túc để tiến hành bổ sung, hoàn chỉnh các đề xuất, kiến nghị của tỉnh. “Những ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội hết sức cụ thể. Do đó, UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh cần lưu ý. Đây sẽ là cơ sở để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị đến các bộ ngành Trung ương và với Quốc hội về những vấn đề của địa phương”-Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm