Văn hóa

Đoàn nghệ nhân Gia Lai tham gia Lễ hội âm thanh thế giới tại Hàn Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 6-9, tại Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức buổi duyệt chương trình văn nghệ dân gian của đoàn nghệ nhân Gia Lai tham gia Lễ hội âm thanh thế giới Jeonju 2023 tại Hàn Quốc (Festival Sori Quốc tế Jeonju).

Chương trình của đoàn nghệ nhân Gia Lai gồm 7 tiết mục: mở đầu là bài chiêng “Lời chào đoàn kết”, tiếp đến là các tiết mục hoà tấu ting ning và kơ ní “Chào buổi sáng” (chào bình minh); độc tấu sáo “Đêm trăng tròn”, dân ca Jrai “Chàng trai dũng cảm”, hát đồng dao “Rước nước về làng”, hoà tấu nhạc cụ tre nứa “Buôn làng ấm no”, và khép lại bằng hòa tấu cồng chiêng “Mừng chiến thắng”.

"Mừng chiến thắng"-một tiết mục của đoàn nghệ nhân sẽ biểu diễn tại Lễ hội âm thanh thế giới Jeonju 2023 tại Hàn Quốc. Ảnh: Hoàng Ngọc

"Mừng chiến thắng"-một tiết mục của đoàn nghệ nhân sẽ biểu diễn tại Lễ hội âm thanh thế giới Jeonju 2023 tại Hàn Quốc. Ảnh: Hoàng Ngọc

Tham gia Lễ hội âm thanh thế giới lần thứ 22 (diễn ra từ ngày 15 đến 24-9), đoàn Gia Lai có 14 nam nghệ nhân người Jrai đến từ các làng của huyện Ia Grai và TP. Pleiku. Người trẻ nhất trong đoàn là Rcơm Bus (SN 2002, làng Pleiku Roh, phường Yên Đổ, TP. Pleiku), người lớn tuổi nhất là nghệ nhân Ksor Sep (SN 1957, làng Brel, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai).

Lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch chụp hình, động viên đoàn nghệ nhân Jrai trước ngày đi Hàn Quốc. Ảnh: Hoàng Ngọc
Lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch chụp hình, động viên đoàn nghệ nhân Jrai trước ngày đi Hàn Quốc. Ảnh: Hoàng Ngọc

Tại buổi tổng duyệt, lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch có một số góp ý về hình thức biểu diễn để hoàn thiện chương trình. Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đánh giá cao tinh thần tập luyện của các nghệ nhân trong thời gian qua.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch bày tỏ sự trân trọng vai trò cầu nối văn hóa của các nghệ nhân đã góp phần giới thiệu đến bạn bè thế giới văn hóa dân gian Tây Nguyên-một phần giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESSCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, để chương trình văn nghệ dân gian như một lời chào từ Gia Lai đến bạn bè quốc tế.

Có thể bạn quan tâm