Kinh tế

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần tiếp sức (*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khoảng 3 năm qua, nền kinh tế Việt Nam duy trì lạm phát thấp nhưng tốc độ tăng trưởng ở mức tốt so với thế giới.

Trong khi đó, thị trường có tín hiệu khô kiệt nguồn vốn tín dụng. Bộ phận quan trọng nhất của nền kinh tế là khu vực nội địa gặp khó khăn gấp nhiều lần so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Tại sao có tình trạng một nền kinh tế tăng trưởng tốt nhưng nguồn nội lực lại yếu? Nếu không tìm ra được nguyên nhân để từ đó có giải pháp tháo gỡ, chúng ta sẽ mãi tự hào về một nền kinh tế tăng trưởng ổn định, bền vững mà quên đi những vấn đề ở bên trong.

Theo tôi, những trục trặc nội tại đến từ cấu trúc "nhị nguyên" của nền kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam những năm qua tồn tại cả nền kinh tế nội địa và nền kinh tế FDI. Trong khi nền kinh tế FDI tăng trưởng tốt, bất chấp điều kiện khó khăn thì khu vực nội địa èo uột hơn. Đáng chú ý, dường như những khó khăn của nền kinh tế nội địa không ảnh hưởng nhiều đến thành tích tốt của toàn bộ nền kinh tế. Ngược lại, những bất ổn của thị trường, trong đó có thị trường tài chính, chỉ ảnh hưởng đến khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước mà không ảnh hưởng đến khối FDI bởi kênh cấp vốn của họ nằm ngoài hệ thống tài chính Việt Nam.

Một vấn đề nội tại khác là nhiều ràng buộc về thể chế, cơ chế, pháp lý cũng góp phần gây ách tắc dòng vốn trong thời gian qua, bên cạnh việc nguồn cung vốn cạn kiệt và nhu cầu tăng cao. Lãi suất tăng, tỉ giá bất ổn... là thách thức lớn với nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Nếu lãi suất cứ duy trì ở mức 15%-16%/năm như hiện nay thì làm sao DN sống được? Chưa kể, cấu trúc thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường cổ phiếu, trái phiếu DN cũng phát triển lệch lạc, méo mó, tạo gánh nặng đổ về thị trường vốn tín dụng... Những điều này khiến khu vực nội địa bị trói buộc, thiếu động lực phát triển, thiếu điều kiện thuận lợi để phát huy.

Trong bối cảnh này, giải pháp then chốt là bơm vốn cho nền kinh tế bằng những cách rất căn cơ là xây dựng thể chế để phát triển thị trường chứng khoán an toàn, lành mạnh, bảo đảm chia sẻ rủi ro và gánh nặng cho hệ thống ngân hàng. Song song đó, cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích dành cho khu vực kinh tế nội địa tương xứng với khu vực FDI, qua đó tiếp sức cho DN trong nước nhanh hồi phục, phát triển.

Cần nhận thức rõ những khó khăn trong nửa năm qua không phải do chúng ta thiếu vốn mà là do thị trường có những bất ổn đến từ những vụ vi phạm pháp luật. Trong điều hành vĩ mô, tuyệt đối không hình sự hóa kinh tế; tránh "quay xe" chính sách, làm cho DN không hoạt động được và bộ máy hành chính không dám hoạt động.

Tôi tin rằng với năng lực trỗi dậy của DN, khả năng ứng biến của Chính phủ, Quốc hội, chúng ta sẽ dần xử lý được những vấn đề nội tại của nền kinh tế để phát triển thực chất hơn.

Phương Nhung ghi

(Dẫn nguồn NLĐO)

---------------------

(*) Trích phát biểu tại tọa đàm "Nghị quyết 01 - Đột phá hỗ trợ doanh nghiệp"
do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 6-2.

PGS-TS TRẦN ĐÌNH THIÊN

Có thể bạn quan tâm