Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Độc đáo "gallery online"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cách đây nửa tháng, một sân chơi mới xuất hiện trên mạng xã hội Facebook được đông đảo họa sĩ, điêu khắc gia trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, đó là phong trào “Nghệ thuật lan tỏa”. Đây được xem là những “gallery online” độc đáo, tạo cơ hội giao lưu đáng quý giữa nghệ sĩ với đồng nghiệp, công chúng.
1. Nhà điêu khắc Nguyễn Vinh-người phát động phong trào “Nghệ thuật lan tỏa” tại Gia Lai-cho hay: Phong trào này bắt nguồn từ TP. Hồ Chí Minh và lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành từ miền Nam đến miền Trung-Tây Nguyên. Để tham gia, trong vòng 10 ngày, mỗi nghệ sĩ tạo hình giới thiệu 10 tác phẩm mình tâm đắc, đồng thời đề cử 10 người cùng tham gia. Cứ thế, nhờ sức lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội, đến nay đã có khoảng 20 họa sĩ, điêu khắc gia tại Gia Lai hưởng ứng phong trào, đề cử nhiều tác giả nổi bật trong và ngoài tỉnh. Từ sân chơi này, các nghệ sĩ có cơ hội giao lưu với nhau, công chúng cũng được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mà vì một số lý do chưa được công bố rộng rãi.
Một trong những tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Vinh được nhiều người chú ý là “Hằn vết” với chất liệu gò nhôm, kích thước 180x200 cm, từng tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên năm 2020. Nguyễn Vinh chia sẻ, anh mất khoảng 10 ngày để hoàn thiện tác phẩm nhằm khắc họa nỗ lực phi thường của đội ngũ y-bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Đó là vết hằn do phải mang khẩu trang liên tục, là sự lao lực in đậm trên những gương mặt, những dáng nằm khi ngả lưng ở một nơi tạm bợ… “Cố lên Việt Nam ơi, Gia Lai hướng về Sài Gòn. Các bạn tôi cố gắng lên nhé”-anh nêu thông điệp khi đưa tác phẩm này lên Facebook tham gia phong trào “Nghệ thuật lan tỏa”. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã nhanh chóng bày tỏ sự đồng tình, khen ngợi dành cho tác phẩm. 
Nhà điêu khắc Nguyễn Vinh bên tác phẩm “Hằn vết”. Ảnh: Lam Nguyên
Nhà điêu khắc Nguyễn Vinh bên tác phẩm “Hằn vết”. Ảnh: Lam Nguyên
Hoặc khi Nguyễn Vinh công bố tác phẩm “Chân dung Xu Man”-cánh chim đầu đàn của hội họa Tây Nguyên, được thực hiện bằng chất liệu tổng hợp, kích thước 50x35x30 cm, nhà điêu khắc này cũng nhận được không ít sẻ chia đầy cảm xúc: “Rất Xu Man. Tuyệt!”, hoặc: “Rất thích tác phẩm này của Vinh”.
Nguyễn Vinh cũng vui mừng cho biết, nhờ phong trào này mà anh phát hiện một số nhân tố mới trong nghề điêu khắc vốn kén người, vì ngoài tố chất cần có còn phải rất khổ công. Đó là Triệu Tiến Dũng, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế, hiện đang sống và làm việc tại huyện Chư Prông. Với tư duy nghệ thuật nghiêng về hình khối hiện đại, Dũng hứa hẹn là hội viên mới đầy triển vọng của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.
 2. Chiếm số lượng đông đảo trong chuyên ngành Mỹ thuật, các họa sĩ trên địa bàn tỉnh cũng tham gia sân chơi này với tất cả sự hào hứng. Đặc biệt, trong điều kiện dịch Covid-19 ảnh hưởng thì đây được xem là sân chơi mới lạ, rộng lớn và hết sức bổ ích. Vì vậy, thay vì giới thiệu 10 tác phẩm theo yêu cầu, họa sĩ Mai Quý Ngọc đã “hào phóng” giới thiệu đến 13 bức. Họa sĩ Mai Quý Ngọc cho hay, một trong những tác phẩm mà anh ưng ý nhất là “Sắc màu mẫu hệ” (chất liệu sơn dầu, kích thước 120x140 cm), đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập để triển lãm chuyên đề. “Theo tôi, đây là sân chơi rất bổ ích, tạo động lực sáng tác cũng như củng cố tình đoàn kết và tinh thần học hỏi lẫn nhau giữa các nghệ sĩ. Đồng thời, công chúng cũng có dịp thưởng thức nghệ thuật một cách rộng rãi với đa dạng tác phẩm, đa dạng phong cách”-họa sĩ Mai Quý Ngọc nhìn nhận. 
Tác phẩm
Tác phẩm "Sắc màu mẫu hệ" của họa sĩ Mai Quý Ngọc. Ảnh: Lam Nguyên
Trong khi đó, họa sĩ trẻ Nguyễn Nguyên Bút-người đang tìm hướng đi riêng ở mảng tranh khắc gỗ-cũng nhận xét: “Phong trào này giúp nhiều người biết đến mình, mình cũng biết đến nhiều người thú vị. Rất vui khi một số thầy-cô giáo cũ vào xem tranh và động viên mình”. Nguyên Bút kể, sân chơi này giúp chị công bố một số tác phẩm tâm đắc cũng như những bức chưa từng ra mắt công chúng. Ngắm tác phẩm “Tượng mồ” được hoàn thành bằng kỹ thuật in khắc gỗ màu, kích thước 100x120 cm của học trò, cô giáo cũ có nick Linh Đỗ không ngần ngại dành lời khen tặng: “Kỹ thuật hào quang ngũ sắc đằm thắm hình tượng, nét dễ thương quá, nhịp mảng đen thấm vừa chuyển nhẹ tinh tế…”. Với người nghệ sĩ, tình cảm ấy chính là động lực để họ tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật dù chẳng phải lúc nào cũng bằng phẳng, dễ dàng. 

Cùng các đồng nghiệp trẻ tham gia phong trào “Nghệ thuật lan tỏa”, nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu nhìn nhận: “Đây là những “gallery online” rất hay giới thiệu các tác giả, tác phẩm nổi bật trong và ngoài tỉnh. Trong điều kiện dịch bệnh khó có thể tổ chức các triển lãm nghệ thuật thì đây là sân chơi mới, bổ ích. Qua đó, công chúng cũng được thưởng thức nhiều tác phẩm đẹp, chất lượng, đã đạt giải tại các triển lãm trong nước và khu vực”.

LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm