Phóng sự - Ký sự

Độc đáo làng Việt: Làng rau di sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Làng rau Trà Quế có tuổi đời hàng trăm năm ở xã Cẩm Hà (TP.Hội An, Quảng Nam) vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Danh xưng này đang mang đến cho làng nghề truyền thống cơ hội nâng cao thương hiệu, phát triển du lịch bền vững.
Nghề cha truyền con nối
Bộ VH-TT-DL vừa công nhận nghề trồng rau Trà Quế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Làng rau Trà Quế yên bình bên dòng sông Cổ Cò, cách phố cổ Hội An 2,5 km về phía đông bắc. Đây là làng nghề trồng rau truyền thống được hình thành cách đây hơn 400 năm. Theo các bô lão, danh xưng đầu tiên của làng là Nhự Quế (nghĩa là mùi thơm của rau như mùi hương cây quế), sau đổi thành Trà Quế (rau có vị cay giống quế và thơm như hoa trà).
 
Một góc làng rau Trà Quế hơn 400 năm tuổi. Ảnh: Mạnh Cường
Một góc làng rau Trà Quế hơn 400 năm tuổi. Ảnh: Mạnh Cường
Trà Quế có đến hơn 40 loại rau, trong đó nổi bật phải kể đến rau thơm. Vẫn là hành, rau răm, tía tô, húng, rau mùi... như ở nhiều làng quê khác, nhưng rau Trà Quế thơm và có vị đặc trưng không thể lẫn vào đâu được. Qua hàng trăm năm, người dân làng Trà Quế vẫn duy trì cách trồng rau truyền thống mà cha ông để lại nhằm tạo ra những sản phẩm rau sạch, hương vị đặc trưng riêng.
Nhiều năm qua, làng rau Trà Quế trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng. Đến với Trà Quế, du khách không chỉ để ngắm cảnh, xem người dân trồng rau mà có thể giao lưu với nhà nông để được trải nghiệm về cách chăm sóc, tưới rau, thu hoạch... Ngoài ra, khách có thể đạp xe dạo trên những con đường quanh làng rau để được tận hưởng bầu không khí mát mẻ, yên bình...
Ông Nguyễn Hùng (65 tuổi, ở xã Cẩm Hà) cho biết làng rau Trà Quế rộng hơn 18 ha với khoảng 200 hộ dân canh tác. Rau trồng ở Trà Quế được nhiều người ưa chuộng, không chỉ thị trường trong tỉnh mà còn có mặt tại các thành phố lớn như Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội.
“Bản thân tôi gắn bó với nghề trồng rau sạch này khi 20 tuổi. Cha mẹ tôi mất, hai vợ chồng tôi tiếp tục gắn bó để phát triển nghề này. Hiện vợ chồng tôi đang trồng đủ các loại rau sạch trên phần diện tích gần 1.000 m2. Mỗi năm, vườn rau cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Chính nguồn thu nhập này giúp vợ chồng tôi nuôi các con được ăn học đến nơi đến chốn”, ông Hùng nói.
 
Một người dân chăm sóc vườn rau của mình
Một người dân chăm sóc vườn rau của mình
Trải nghiệm thú vị
Theo ông Hùng, trước khi có dịch Covid-19, ngày nào du khách nước ngoài cũng đến thăm. Khách thích thú xin “học” làm nông, gánh nước tưới rau..., và nhà nông có thêm một khoản thu từ những hoạt động du lịch thú vị này. Hơn 2 năm qua, dù vướng dịch, nhà nông vẫn thu nhập ổn định với lượng rau sạch cung ứng ra thị trường. “Hiện nay, khi dịch bệnh đã được khống chế, du khách quốc tế đã quay trở lại Hội An. Những ngày qua, làng rau Trà Quế lại nhộn nhịp đón khách. Du khách đến, mang bao niềm vui mới cho người dân”, ông Hùng vui vẻ nói.
Ông Nguyễn Kiên (69 tuổi, ở xã Cẩm Hà) cũng có hơn 40 năm gắn bó với nghề trồng rau. Vì vậy, khi nghe tin làng nghề được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, không chỉ ông mà hàng trăm hộ dân chuyên trồng rau tại đây ai cũng rất vui mừng và tự hào.
Nghề trồng rau không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn giúp chúng tôi giữ được nghề truyền thống mà cha ông để lại. Chúng tôi tin việc bảo tồn làng nghề gắn với hoạt động du lịch là hướng đi bền vững trong tương lai
Ông Nguyễn Kiên (69 tuổi, xã Cẩm Hà, TP.Hội An, Quảng Nam)
“Nghề trồng rau không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn giúp chúng tôi giữ được nghề truyền thống mà cha ông để lại. Chúng tôi tin việc bảo tồn làng nghề gắn với hoạt động du lịch là hướng đi bền vững trong tương lai”, ông Kiên quả quyết.
Chị Bengi Ozboyaci, du khách đến từ Singapore, cho biết được tham quan làng rau Trà Quế, gia đình chị rất vui và ấn tượng về vùng đất yên bình với những người dân chân chất, tốt bụng. Đặc biệt, phương pháp canh tác của người dân tại làng rau rất an toàn và thân thiện với môi trường.
“Đến đây, gia đình tôi có một trải nghiệm vô cùng thú vị khi được làm nông dân chính hiệu. Mỗi lần đến Hội An du lịch, nơi đầu tiên gia đình chúng tôi tìm đến là làng rau Trà Quế. Sau chuyến du lịch này, nếu có dịp trở lại Hội An, tôi sẽ rủ thêm người thân, bạn bè cùng đi để họ được tận hưởng bầu không khí trong lành, trải nghiệm việc cầm cuốc tỉa rau mà chỉ nơi đây mới có”, chị Bengi Ozboyaci chia sẻ.
 
Gia đình chị Bengi Ozboyaci trải nghiệm tại làng rau. Ảnh: Trà Quế
Gia đình chị Bengi Ozboyaci trải nghiệm tại làng rau. Ảnh: Trà Quế
Phát triển bền vững di sản
Ông Trần Văn Khoa, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Jack Tran Tours, nhìn nhận sự kiện làng rau Trà Quế được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ hội tuyệt vời để người nông dân thêm quyết tâm giữ vững làng nghề và làm giàu. “Trước khi có dịch, không chỉ công ty tôi mà nhiều công ty du lịch - lữ hành khác ngày nào cũng tổ chức các tour về Trà Quế như tour tham quan làng rau, cùng nông dân canh tác, trải nghiệm một ngày làm nông dân... Người dân cũng có thêm thu nhập từ các tour này”, ông Khoa nói.
Theo ông Khoa, nghề trồng rau Trà Quế được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chắc chắn sẽ giúp ngành du lịch hưởng lợi, nhưng vẫn phải tìm cách giữ cho được bản sắc truyền thống của làng nghề, đơn cử như chuyện gánh nước tưới rau bằng gàu. Du khách đến đây để thưởng thức, tận hưởng những gì dân dã bao đời nay. Du lịch càng phát triển thì những nét truyền thống cần phải được giữ gìn.
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết việc công nhận di sản có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy nghề trồng rau Trà Quế, giúp cộng đồng địa phương nâng cao ý thức gìn giữ và dựa vào di sản để phát triển du lịch. Chính quyền thành phố đặt vấn đề phát triển bền vững di sản “nghề trồng rau Trà Quế”, trong đó phát triển điểm dừng chân tại làng rau theo hướng chất lượng. Khách đến trồng rau, sau đó quay lại và hưởng thành quả do chính mình làm ra. Bên cạnh đó, sẽ kết nối làng rau với các điểm khác như Cẩm Châu, sông Cổ Cò, Điện Dương… bằng tour xe đạp, sinh thái cùng với mở rộng không gian du lịch.
“Làng rau Trà Quế trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đang mang đến cơ hội cho làng nghề truyền thống này nâng cao thương hiệu. Chúng tôi tin, du lịch phát triển sẽ phát huy giá trị di sản và có nguồn lực góp phần bảo tồn di sản”, ông Lanh khẳng định. (còn tiếp)
Theo Mạnh Cường (TNO)

Có thể bạn quan tâm