Báo xuân

Độc đáo Tết "năm cùng" của người Dao xứ Thanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng năm, cứ đến đầu tháng 12 Âm lịch cho đến hết tháng, khi mùa màng đã thu hoạch xong xuôi hoàn chỉnh, mỗi gia đình người dân tộc Dao ở miền núi xứ Thanh lại sắm sửa tổ chức ăn Tết “năm cùng”.
 

Bánh dì được giã từ xôi nếp là món ăn không thể thiếu trong Tết năm cùng của người Dao ở Thanh Hóa. Ảnh: Xuân Trường

Theo phong tục của người Dao ở Thanh Hóa, trong một năm họ có ba cái Tết quan trọng nhất, đó là Tết Thanh Minh, Rằm tháng bảy và Tết năm cùng, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là Tết năm cùng. Vì đây chính là dịp để mọi người báo công với tổ tiên những thành quả của một năm lao động vất vả trong gia đình và dòng họ. Bên cạnh đó, Tết năm cùng cũng là dịp để con cháu, anh em đi làm ăn xa trở về báo hiếu với gia đình, tổ tiên.

Ngay từ đầu tháng 12 Âm lịch, bà con người dân tộc Dao đã được sống trong không khí vui tươi của những ngày Tết. Với họ, Tết năm cùng là quan trọng nhất. Bao nhiêu tiền của để dành trong một năm trời đều dồn vào đây. Để có một cái Tết no ấm, đầy đủ, ngay từ giữa tháng 11 Âm lịch, mỗi gia đình người Dao đã phải chuẩn bị gạo nếp, nuôi gà, nuôi heo để ăn Tết năm cùng.

 

Mâm cỗ cúng tổ tiên của người Dao. Ảnh: Xuân Trường

Gia đình anh Triệu Tuấn Nghĩa (35 tuổi), người dân tộc Dao ở thôn Hạ Sơn, xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc tổ chức ăn Tết năm cùng sớm hơn so với mọi năm trước. Năm nay gia đình anh làm ăn khá thuận lợi và gặt hái được nhiều thành quả cho nên anh mời tất cả hai bên họ hàng nội ngoại đến chung vui. Để chuẩn bị cho cái Tết này, ngay từ giữa tháng 9 gia đình anh đã nuôi một con heo và một đàn gà để mời anh em họ hàng đến ăn Tết. Từ sáng sớm tất cả mọi người trong dòng họ đã có mặt đông đủ để giúp gia đình anh làm cỗ. Các món ăn được chế biến từ heo, gà đã được làm sẵn, chỉ còn chờ các thầy cúng đến để làm lễ báo cáo với ông bà tổ tiên.

Nét đặc sắc nhất trong mâm cỗ ngày Tết năm cùng của người Dao là món bánh dì (hay còn gọi là bánh dầy). Đây là món ăn có truyền thống rất lâu đời của người Dao ở vùng cao Thanh Hóa. Bánh dì được làm từ gạo nếp, đồ thành xôi chín cho vào cối đá giã nhuyễn rồi sau đó nặn thành từng cái bánh nhỏ hình tròn chấm với muối vừng ăn. Để bánh được ngon và dẻo hơn thì gia chủ phải chọn loại gạo nếp thật ngon rồi ngâm kỹ trong nước vài giờ đồng hồ mới mang ra đồ. Mẻ bánh giã đầu tiên được dùng để cúng tổ tiên, ông bà nên không ai được ăn trước.

 

Lễ cúng báo công với tổ tiên của người dân tộc Dao trong Tết năm cùng.
Ảnh: Xuân Trường

Bên cạnh món bánh dì, mâm cỗ cúng tổ tiên và cỗ Tết năm cùng của người Dao không thể thiếu được thịt theo luộc và thịt gà. Các loại thịt, lòng, gan được thái nhỏ, trộn đều và dồn vào miếng lá chuối lớn gọi là cỗ lá. Tuy nhiên, tùy thuộc vào kinh tế mỗi gia đình mà các món ăn được làm nhiều hay ít, gia đình nào làm ăn khấm khá thì họ cúng bằng gà trống và đầu heo.

Giải thích cho mâm cỗ toàn thịt, anh Nghĩa cho biết, người dân tộc Dao cả năm đã lao động vất vả, chỉ có ngày Tết mới được ăn ngon. Vì thế, mâm cơm đầy thịt là mong ước của người dân cho một năm mới đầy đủ và sung túc.

Đối với người Dao thì nghi lễ cúng tổ tiên ông bà rất quan trọng nên thông thường mỗi gia đình phải mời ít nhất 3 thầy cúng, nhiều là 5 thầy tới giúp. Các thầy cúng phải là những người có chức sắc trong làng, họ là những người có mặt sớm nhất để lo cho buổi lễ khỏi thiếu sót. Khác với người Kinh, thay cho tiền vàng mã người Dao sử dụng các tờ giấy màu bạc và màu vàng để cắt thành từng thỏi và đóng dấu lên đó. Trong lễ cúng, người Dao không dùng hương để đốt mà dùng lá quế hoặc vỏ quế khô bỏ vào một cái chén nhỏ. Mỗi lần đốt lại phải dùng một viên than hồng để đốt cùng, cho đến khi nào cái chén đầy than và vỏ hương mới thôi.

 

Mâm cơm ngày Tết năm cùng thắm đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc Dao.
Ảnh: Xuân Trường

Sau khi lễ vật được bày ra trước bàn thờ gia tiên, các thầy cúng ngồi trước mâm lễ vật bắt đầu bài cúng, đại diện cho gia chủ báo cáo quá trình một năm lao động và xin gia tiên phù hộ cho gia đình bước sang năm mới sẽ gặp nhiều may mắn hơn nữa. Bài cúng tổ tiên của người Dao phải trải qua 4 bước và mất hơn 2 giờ đồng hồ mới hoàn thành. Sau khi lễ cúng hoàn thành, lễ vật được mang xuống và dọn ra mâm cho mọi người cùng ăn.

Điều đặc biệt hơn nữa là trong mâm cơm Tết năm cùng, đó là các thầy cúng và các vị chức sắc trong làng được bố trí ngồi trên,  ăn trước, sau đó lần lượt đến khách mời của bố mẹ, con cái. Theo tục của người Dao, trước khi dùng bữa mọi người cùng nâng chén, chủ nhà phải đi một vòng mời rượu để báo cáo với anh em họ hàng về bữa cơm Tết năm cùng và vấn đề làm ăn kinh tế của gia đình trong năm vừa qua.

Ngoài phong tục ăn Tết năm cùng diễn ra vào tháng 12 Âm lịch hàng năm thì trước Tết Nguyên đán người dân tộc Dao ở Thanh Hóa còn tổ chức lễ cấp sắc hay lễ trưởng thành cho những người đã bước qua tuổi vị thành niên. Mặc dù chi phí cho lễ cấp sắc khá tốn kém, chi phí khoảng 15-20 triệu đồng nhưng người Dao xem đây là nghi thức quan trọng, không thể bỏ qua trong đời sống văn hóa của dân tộc này.

Xuân Trường

Có thể bạn quan tâm