Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Dọc đường gió bụi, mưa dầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hai tiếng về quê nghe thân thương vô cùng. Ở quê còn đó lắm người thân yêu ruột thịt, những kỷ niệm khó quên thời thơ ấu, những cánh đồng mơ ước đã cho ta ăn học và những lũy tre làng mắc võng đu đưa bao lời ru của mẹ. Vâng, còn ăm ắp những kỷ niệm buồn vui theo mãi đời người. Thậm chí nỗi nhớ cứ len lỏi trong tâm thức của từng bữa ăn đạm bạc: “Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”.

Thế mà đợt về quê lần này thấy lòng đau xót lạ khi mà đại dịch Covid-19 đã khiến hàng trăm ngàn người phải nhập viện điều trị, hàng ngàn người phải rời xa cõi tạm. Không ai tránh được sự lo âu thường trực ngày đêm dù là người giàu có hay nghèo khổ. Người con đi xa vượt qua bao nhớ thương để tìm cái ăn cái mặc giúp gia đình thoát cảnh đói nghèo bao đời nay. Niềm vui của họ chính là mối quan hệ xã hội, “nhất cận thân nhì cận lân” để dựa vào nhau mà sống bằng nghĩa đồng bào. Thế mà dịch bệnh quái ác ập đến chẳng những gây nên bao hoang mang mà còn tạo nên sự cách xa nhau chỉ trong tấc gang giữa cộng đồng. Bình thường, mọi người lao động khi đi tìm việc làm dù có toát mồ hôi nhưng không lo lắng không suy tư để đêm về có được một giấc ngủ bình an với hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn.

 Đoàn công dân về quê đi qua địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Tú
Đoàn công dân về quê đi qua địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Tú


Thế mà hai năm qua họ chịu đựng với tâm trạng lo âu là thách thức vô cùng gian khó kể cả vật chất lẫn tinh thần. Sự sẻ chia, đùm bọc, nhường cơm sẻ áo đã trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc ta. Với nhận thức đúng đắn của người dân là cùng với Đảng với chính quyền triệt để chống dịch như chống giặc. Biết rằng giúp ngặt chứ không ai có thể giúp nghèo, nhiều món quà từ thiện ở quê, nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm từ những vùng miền được đưa đến nơi vùng dịch của những Mạnh Thường Quân, của đồng bào trong cả nước bằng tấm lòng thiện nguyện chân chính.

Đặc biệt, khi mà TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở thành tâm dịch thì Đảng và cả hệ thống chính trị không tránh được những băn khoăn lo lắng trước gánh nặng an sinh xã hội. Với nhiều biện pháp cứng rắn, nhiều hướng giải quyết linh hoạt để ngăn ngừa nhưng con vi rút quái ác kia luôn biến thể khó lường làm cho nỗi sợ hãi của người dân không ngớt lo toan. Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và các thành phố lớn khác hiện có nhiều khu công nghiệp nên thu hút nhiều lao động từ mọi miền đến mưu sinh. Thực chất, người lao động nghèo làm ăn theo thời vụ, từng công đoạn thì tìm đâu ra được ngôi nhà của riêng mình giữa chốn phồn hoa đô thị. Họ buộc phải tìm nhà trọ sống qua ngày với bao nỗi lo canh cánh từng ngày.

Dịch giã vẫn còn diễn biến phức tạp, đời sống người dân nghèo quá khó khăn thậm chí hết phương cầm cự nên mỗi người vẫn tìm cho mình một cách “thoát thân”. Những ngày đầu tháng10, khi mà TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách thì tâm nguyện của người dân là được hồi hương. Khó mà trách móc sự nôn nóng ra về của họ. Chính quyền các cấp vẫn kêu gọi người dân ở lại để tiếp tục lao động khi các doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Nhưng dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì ít ai dám tự tin và quyết định ở lại thêm.

Một số tỉnh thành tổ chức đón người dân của mình về quê bằng nhiều phương tiện khác nhau nhưng con số được đón có được là bao còn số mắc kẹt thì không thể kiểm soát. Không ai bảo ai, những đoàn người tự phát nối nhau về quê bằng đủ loại phương tiện, thậm chí có người đi bộ bất chấp mọi trở ngại, hiểm nguy. Từ sự tự phát đó mà không ít người phải chịu cảnh ùn tắc tại các chốt kiểm soát. Đây cũng là nguyên nhân lây nhiễm dịch bệnh mà mọi người không lường hết được. Và thực tế tại các chốt kiểm soát đã có không ít người bị lây nhiễm và tái dương tính trên đường về quê.

Cuộc hành hương mấy ngày qua tạo nên một bức tranh với nhiều cung bậc cảm xúc. Cảnh bồng bế đèo bòng lội ngược dòng khác nào cá vào mùa đẻ trứng hy sinh chính mình để cho con cái được sinh sôi. Hàng vạn người đã trải qua bao quãng đường gió bụi, mưa dầm. Mong sao dặm trường thiên lý hồi hương được an lành và dịch giã chóng kết thúc để cuộc sống sớm được trở lại bình thường.

 

 NGUYỄN TẤN HỶ
 

Có thể bạn quan tâm