Phóng sự - Ký sự

Dọc những triền sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Con người không phải cực công khơi thông cát, nắn dòng sông. Khi nước đổ về, cá tôm sinh sôi trở lại. Mỗi năm, sông lại biếu cho dân một mùa hào sảng. Người ta không giải thích rõ ràng được nên nghĩ là "vạn vật hữu linh".

Trong ý nghĩ của nhiều người, châu thổ Cửu Long là xứ sở "trên cơm, dưới cá", là miền đất hứa của sự thơ mộng miệt vườn và đầy ắp phù sa. Song, miền đất ấy cũng có lúc quặn thắt lòng, khi con nước mỗi năm về càng ít. Những miệt cù lao cồn bãi không thôi rời vòng tay đất mẹ, những ngôi làng bị hà bá ngoạm mất tên... Người già thường khấn lạy, rồi nhắc chuyện xa xưa...

Ký ức về thời "Bà Cậu" bảo bọc

Những người đi mở cõi đã "bám rễ" ở vùng đất mới phía Nam, dần dà đúc kết kinh nghiệm từ hai mùa mưa nắng, nước nổi trắng đồng, để "sống chung với lũ". Một thời kỳ hoàng kim mở ra, để rồi sau này, người lớn tuổi thường hay xốn xang mỗi khi nhớ về ký ức đã hóa phù du trôi đi đâu mất biệt.

Ấy là ký ức về cái thời "Bà Cậu" vẫn còn bao dung bảo bọc con người, ban cho nhiều lợi lộc từ sông. Mỗi đợt dỡ chà, dỡ dớn, cá tôm nhảy soi sói đầy trong tấm lưới thưa, phải cộ xe bò mới chở hết về nhà. Lớp ăn, lớp làm khô, làm mắm, lớp thả lại thiên nhiên để "rọng" cho những mùa sau.


 

Một góc cồn đang được bồi tụ ven sông Vàm Nao
Một góc cồn đang được bồi tụ ven sông Vàm Nao


Bây giờ những chà, dớn cá quanh năm chỉ giỏi lắm thu được chừng chục ký cá hỗn độn bất kể lớn nhỏ, là mừng.

Dẫu biết phần nào do con nước mỗi năm về ít nhưng vẫn xót lòng nhìn những tia điện giăng vào ổ bụng của sông. Những lưới cá đầy trên ghe, là triệu sinh linh nhỏ bé ngửa bụng trôi xuôi phận nước. Chúng tan mất trước khi ra đến biển. Và rồi những trứng cá phù du sẽ "thanh lý" sứ mệnh của mình trước khi vào đến đồng nước để sinh sôi.

Người dân châu thổ Cửu Long không khỏi ái ngại khi nhìn một số đình chùa bị con nước cuốn trôi. Những nơi linh thiêng mặc định rằng sông không bao giờ phạm đến, một ngày không biết buồn vui, vậy mà giờ sông ngoạm lấy, lăm le.

Những cuộc bàn thảo về việc khơi thông dòng chảy, phân luồng nước sông và nắn lại hướng chảy theo ý của con người; cũng giống như sông bị "trẹo tay, trật chân", chỉ cần sửa là sẽ lành lặn lại. Nhưng bao công sức uốn nắn vẫn không hề hấn gì, sông vẫn ngoạm vào bờ đất, khi những trảng cát ở tận đáy lòng sông đột nhiên biến hóa cạn dần. Những xóm làng chìm mất cái tên, hỏi quê ở đâu, rằng ở cồn Phó Quế (An Giang) mà sao nghe xa xót. Dòng sông đã cuốn nhiều thứ quăng ra biển mất rồi!

Triệu bao cát, triệu cọc tràm được trả lại cho sông để hy vọng kè níu những rìa đất thêm vững chãi. Nhưng cũng tùy tâm trạng của dòng trôi (không thể nào dùng "tướng tại tâm sinh" mà đoán được), thích thì nhận, không thích thì sông cứ cuốn đi mất.

Có anh thợ lặn tò mò tìm xuống tận đáy sông, nơi người ta mới thả vào đó trăm ngàn bao cát. Nhưng thợ lặn không thấy gì, ngoài cái hang trống hoác trống huơ, nước quay lạnh lùng và bất định. Khi anh thợ lặn ngoi lên bờ vẫn không thôi lầm tưởng đã sắp chạm vào "Thủy cung" của Bà Cậu.

Mang hy vọng thêm nhiều mùa cá

Triệu con cá được ươm thả về sông, mang hy vọng sẽ nở ra thêm nhiều mùa cá nữa. Chúng lặng lẽ về với sông mẹ bao la, không lời tạ từ hứa hẹn.

Cũng không biết những con cá có hoàn thành sứ mệnh sinh sôi hay sẽ thoi thóp thở ôxy ngoài chợ với cái tên "cá sông non, kho ngon bà lạy". Cũng không biết rồi những con cá có kịp đẻ lứa trứng nào không, hay sẽ mắc vào những sợi điện, không khác gì sét ở lòng sông, dẫu cá không động chạm, tội tình gì đến Lôi Công, Điện Mẫu!

 

Không phụ lòng người, đó đây tôm cá lại về
Không phụ lòng người, đó đây tôm cá lại về



Song song với hành trình con cá lặn lội mưu sinh, con người cũng chật vật cơm áo gạo tiền, trốn chui trốn nhủi quăng những mẻ lưới điện mà lòng cứ hồi hộp lời nguyền "nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá". Con người càng chật vật hơn khi ươm giống, thả cá về sông và gửi biết bao nỗi niềm vào đôi mắt cá: "Nhìn cho tinh, né cho giỏi để đừng chết yểu!".

Trong hành trình ấy, người ta chợt thấy ven dòng sông mẹ Cửu Long mọc lên những vòm sông bãi cá bao dung, bồi tụ từ lòng người. Những bầy cá tự nhiên rủ nhau về một điểm, sống quần tụ hàng ngàn con không khác gì cá được nuôi bè. Lâu lâu lại có tin về một dòng tộc đông đảo vài chục hoặc vài trăm sinh mạng, tề tựu ăn móng ở triền sông ngay bờ lòng người, như "hữu sự nhớ đến nhau", cầu cứu, hãy bảo tồn lấy thiên nhiên, sự sống.

Lòng người có lúc cũng như sông, rộng mở mênh mông nên mở lòng ban cho bầy cá mớ cơm thừa canh cặn. Chỉ vậy mà chúng "truyền tai nhau tiếng lành", kéo về miền sông hứa ngày một đông, có khi hàng trăm ngàn con. Cứ mỗi chiều người ta gõ cái nồi cơm là nghe rào rào tiếng cá về rộ mé.

Có những nông dân ở Châu Đốc, Phú Tân, Chợ Mới... dựng chà, tạo môi trường thủy sinh tự nhiên cho cá trú ẩn. Bà con đầu trên xóm dưới, có cơm canh thừa cũng mang đến, có khi cho cả thức ăn để nuôi bầy cá sông ngày một đông và lớn.

Người ta chỉ cần ngắm cá về ăn mỗi chiều là chợt thấy lòng mình thanh thản và bình yên đến lạ. Những người hiếu kỳ từ khắp nơi đến xem đều chung niềm thương cảm trước bầy cá ngàn con. Phải chăng chỉ vì cuộc mưu sinh mà con người mới "bất tín" với dòng sông chứ thật ra trong sâu thẳm, lòng nhân từ vẫn luôn có sự hòa hiếu với thiên nhiên, rằng "nhân chi sơ tánh bổn thiện"?

Những hạt mầm kết nối

Khi dòng sông đã sắp dần cạn cá tôm, những miền đất phù sa trôi dần đi mất, tôi đi dọc triền sông, từ thượng nguồn về hạ lưu và nhận ra lòng mình bỗng bồi tụ lại.

Như ông cụ hôm tôi gặp ở sông Vàm Nao, ngày nào cũng ra bãi bồi kiên trì cắm những cây tràm, điên điển để "cho đất có chân mà đứng vững". Mai sau, nơi đây sẽ thành cồn, nhưng hôm nay những cây non ông cụ vừa trồng đã bám rễ vào lòng tôi vững chãi. Khi ấy, những hạt mầm kết nối giữa người với sông đang đâm chồi sau mùa ngủ đông sâu thẳm. Những bãi bồi, chà cá được bảo vệ bằng tấm lòng, bằng đức tin và bằng niềm hy vọng "mình tử tế với sông, ắt sông sẽ tử tế với mình".

Quái lạ, những triền sông ấy chở đầy nỗi niềm, bồi tụ lòng người bỗng không còn ầm ầm lở loét. Con người không phải cực công khơi thông cát, nắn dòng sông. Cá tôm sinh sôi trở lại. Nước lại đổ về, mỗi năm biếu cho một mùa hào sảng. Người ta không giải thích rõ rành được, nên nghĩ là "vạn vật hữu linh", quy luật có cho sông thì sông mới cho lại. Lòng người trao hoa thì lòng sông rộ nở.

Bài và ảnh: LÊ QUANG TRẠNG
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm