Đôi điều về hạnh phúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có bao nhiêu con người trên đời này thì có từng ấy quan niệm về hạnh phúc. Có bao nhiêu trạng huống trong từng cuộc đời mỗi người thì cũng có từng ấy hạnh phúc. 
1. Thời chúng tôi đi học, câu nói của Mác: “Hạnh phúc là đấu tranh” thường được mang ra làm đề thi. Thời ấy, nước ta đang có chiến tranh nên câu nói này được học và đưa vào đề thi cũng là điều dễ hiểu.
Sau này, câu ấy ít được nhắc. Người ta cũng nhắc tới hạnh phúc nhưng nó đơn giản, dễ hiểu hơn. Hạnh phúc là đấu tranh có lẽ không chỉ nói về đấu tranh theo nghĩa đen, mà còn nói về sự thống nhất của các mặt đối lập, nói về sự triệt tiêu của mâu thuẫn xã hội để thúc đẩy xã hội phát triển theo cách lý giải của Mác.
Tôi vẫn nhớ buổi học của lớp văn K1 chúng tôi ngày 8-3-1979, khi ấy chúng tôi đang học năm 3. Sự kiện chiến tranh biên giới Việt-Trung mới xảy ra, vẫn còn hừng hực. Một bạn nam đứng lên đề nghị: Hôm nay là ngày 8-3, cho phép em đọc một bài thơ tặng các bạn nữ. Giảng viên đứng lớp hôm ấy là thầy Nguyễn Xớn, ông hoan hô ý kiến rất hay này. Và “Bài thơ về hạnh phúc” của nhà thơ Dương Hương Ly vang lên vừa da diết vừa trầm hùng. Cả lớp lặng phắc, một vài bạn nữ mắt đỏ hoe: “Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên/Trên mồ em có mùa xuân nở mãi/Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên/Trời chiến trường không một phút bình yên... Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng/Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi không ra/Cho đến ngày cất bước đi xa/Miền Nam gọi hai đứa mình có mặt... Và em gọi đấy là hạnh phúc”. Câu thơ “Và em gọi đấy là hạnh phúc” lặp đi lặp lại ở các khổ thơ như một biểu thức tâm trạng, lại như một cắt nghĩa, một lý giải, một minh định về hạnh phúc, vừa hết sức cụ thể nhưng lại cũng rất mênh mông, sức biểu cảm hết sức rộng nhưng lại cũng rất chi tiết. Nó cứ xoáy vào lòng người cái đau đáu, cái thiết tha, cái dấn thân, cái hy sinh... hết sức tường minh nhưng cũng diệu vợi để nói về một người con gái, một nhà văn, một chiến sĩ... gửi con mới hơn một năm tuổi cho bà ngoại ở miền Bắc, xung phong vào miền Nam chiến đấu. Và bà đã hy sinh hết sức bi tráng ở chiến trường khốc liệt nhất miền Nam thời ấy: chiến trường Quảng Đà.
Từ năm 2013, ngày 20-3 được Liên hợp quốc chọn là ngày Quốc tế Hạnh phúc (tranh minh họa).
2. Bây giờ, cả thế giới đang căng mình chống dịch Covid-19. Rất nhiều người thốt lên: Hạnh phúc nhất là... hết dịch. Có lẽ, đối với học sinh, sinh viên, hạnh phúc nhất bây giờ là được đi học; với giáo viên, hạnh phúc ấy là được lên lớp giảng bài; còn với người phải vào cách ly thì hạnh phúc nhất là có... wifi, vân vân và vân vân.
Thế thì ở đây, hạnh phúc chính là sự thích nghi. Trong các cuộc trà dư tửu hậu với bạn bè, cả hồi còn là giáo viên thỉnh giảng cho một trường nghệ thuật, tôi thường nói rằng, thích nghi là phẩm chất vĩ đại nhất của con người. Nhờ thích nghi mà người ta có thể yên tâm sống, yên tâm làm việc, học tập, yên tâm yêu, yên tâm làm nghĩa vụ gia đình. Mà cái món gia đình là... vô lý nhất. Hai con người chả quen biết gì nhau, không ruột rà thân thích, tự nhiên về sống với nhau, chịu đựng nhau cả cuộc đời. Con người sinh ra, không tự chọn được cha mẹ, không chọn được Tổ quốc thì thích nghi mà sống. Nhưng chuyện vợ chồng hoàn toàn là do chọn, thế nhưng không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Và phương pháp để giữ gìn hạnh phúc cũng là... thích nghi.
Tham vọng và khát vọng của con người là vô cùng. Vấn đề là anh biết mình biết người để làm chủ được mình, yên tâm với những gì mình có và sẽ có, thì đấy là hạnh phúc. Còn cứ để cho tham vọng nó điều khiển, nó bắt mình cứ phải lao theo những điều ngoài tầm tay của mình, ngoài khả năng của mình, rồi đau khổ, rồi khùng điên... thì đấy là bất hạnh.
Hạnh phúc nhiều khi chỉ là một sự thỏa mãn rất đơn giản, như giấc ngủ sâu sau ca trực (tôi lại nhớ đến hình ảnh một chiến sĩ Công an đi nguyên giày, gối đầu lên mũ, ngủ ngay trên cái ghế mà anh vừa xong ca trực cách ly) là đang đói có tô mì tôm, đến lớn lao hơn như làm được việc tốt cho cộng đồng, cho xã hội, cho đất nước.
Hạnh phúc còn là sự sẻ chia. Ngay trong vụ dịch đang diễn ra kia, có biết bao nhiêu hành động sẻ chia khiến chúng ta xúc động, từ sẻ chia từng cái khẩu trang, đến giao cho Nhà nước cả cái khách sạn 5 sao để cách ly chống dịch. Khi chúng tôi mang quà xuống trại tâm thần của vợ chồng anh Phước (phường Chi Lăng, TP. Pleiku), rất nhiều người đã hết sức xúc động. Xúc động vì sự sẻ chia của cộng đồng. Nước ta bây giờ, việc làm từ thiện đã trở thành trào lưu rộng rãi trong xã hội. Đấy chính là hạnh phúc.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan có cái truyện ngắn rất hay và buồn cười về việc quan trên sức giấy về làng bắt mỗi làng phải “giao đủ” một cơ số người để đi xem bóng đá, có “nhiều chiến tướng đá rất hay, mọi nhẽ”. Và hoạt cảnh bắt người đi xem bóng đá nó diễn ra hết sức bi thương và trào lộng. Khi ấy, trốn không phải đi xem bóng đá là... hạnh phúc. Còn thời bây giờ, được đi xem bóng đá là hạnh phúc. Tất nhiên không phải là tất cả, nhưng cứ xem cảnh dân Việt ta cờ đỏ sao vàng ra nước ngoài ủng hộ đội tuyển thì biết cái hạnh phúc ấy nó hân hoan đến như thế nào?
Thì đã bảo, từng người, mỗi giai đoạn, mỗi vùng... có quan niệm hạnh phúc của mình. Mà đa phần là, để thỏa mãn ước mơ, khát vọng chính đáng của mình.
VĂN CÔNG HÙNG

Có thể bạn quan tâm