Bài viết nêu những gợi mở mang tính bức thiết trong việc tiếp tục nỗ lực nâng cao vai trò, vị trí lãnh đạo đất nước của Đảng với tư cách là đảng cầm quyền, để Đảng lãnh đạo mà không phải làm thay cơ quan quản lý nhà nước.
Khi đặt vấn đề Đảng lãnh đạo mà không bao biện, làm thay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hàm ý rằng, một trong những tồn tại trong phương thức lãnh đạo của Đảng là tình trạng cơ quan Đảng đã làm nhiều việc mà lẽ ra, chỉ thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước. Thực tế này cần phải thay đổi, để các cơ quan trong cả hệ thống chính trị làm đúng vai, thuộc bài của mình.
Tình trạng bao biện, ôm đồm việc của người khác, của cơ quan chức năng khác, dẫn đến thực tế là khi gặp vấn đề phức tạp hay xảy ra sai phạm, quả bóng trách nhiệm được đẩy qua đẩy lại, dưới chỉ lên, trên chỉ xuống. Cuối cùng, chẳng ai nhận lỗi về mình.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Để khắc phục điều này, một trong những công tác trọng tâm được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặt ra trong bài viết là quán triệt phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng bằng chủ trương, đường lối, bằng tuyên truyền, vận động. Đảng cầm quyền thì quyền lực của Đảng là quyền lực chính trị. Đảng lựa chọn cán bộ ưu tú giới thiệu tham gia vào bộ máy quản lý các cấp của Nhà nước. Đảng giao việc và thực hiện quyền kiểm tra, giám sát, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao mà Đảng có đánh giá, khen thưởng hay kỷ luật xứng đáng.
Không bao biện, làm thay, tức là Đảng không làm thay chức năng quản lý của Nhà nước nhưng Đảng không được buông lỏng lãnh đạo. Hai yêu cầu đó phải đi song song như đôi cánh của một con chim, mà nếu quá coi trọng hoặc coi nhẹ “cánh” nào cũng đều không ổn.
Thực tế đã có không ít cán bộ lãnh đạo cấp ủy viện lý do “lãnh đạo toàn diện” để can thiệp vào công tác chuyên môn, thậm chí ra quyết định thay cho cấp dưới; các cấp ủy Đảng làm thay, quyết thay cho chính quyền. Tình trạng này dẫn đến tính ỷ lại, trông chờ của cấp dưới. Lâu dần thành quen, cấp dưới sẽ bị triệt tiêu tinh thần chủ động, sáng tạo. Sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ còn dẫn tới hậu quả là làm giảm trách nhiệm cá nhân. Bởi khi ranh giới không rõ ràng, trách nhiệm của từng cá nhân cán bộ lãnh đạo, tổ chức trở nên mơ hồ. Từ đó dẫn tới không khách quan, chính xác trong việc đánh giá, khen thưởng hoặc xử lý kỷ luật cán bộ.
Để khắc phục những bất cập đó, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đầu tiên phải hoàn thiện hệ thống quy định của Đảng về cơ chế lãnh đạo, cầm quyền của Đảng bằng pháp luật và thông qua pháp luật. Quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống Đảng và hệ thống chính quyền và cả hệ thống chính trị. Song song với đó là tinh gọn bộ máy, từng bước xây dựng văn hóa lãnh đạo một cách lành mạnh. Cuối cùng là thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là thông điệp quan trọng, định hướng cho công tác xây dựng Đảng, nhất là việc đổi mới phương thức, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền là cách để Đảng thực hiện quyền lãnh đạo toàn diện đất nước.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là phải cải tiến mạnh mẽ công tác tổ chức, vận hành; thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng; có thể nghiên cứu hợp nhất một số cơ quan tham mưu, giúp việc; đánh giá toàn diện việc kiêm nhiệm một số chức danh của Đảng và hệ thống chính trị để tinh gọn bộ máy lãnh đạo của Đảng… theo hướng lấy chất lượng làm mục tiêu; để các cơ quan của Đảng thực sự là “hạt nhân” trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu” sáng suốt, bản lĩnh, giúp Đảng thực hiện đúng vai trò của một đảng cầm quyền mà không phải bao biện, làm thay vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước.