Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đổi mới nội dung, phương pháp công tác tuyên giáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 92 năm qua, ngành Tuyên giáo đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam. Lớp lớp các thế hệ làm công tác tuyên giáo không ngại khó khăn, nỗ lực sáng tạo, góp sức cùng với toàn Đảng đề ra các chủ trương, đường lối sát hợp với từng thời kỳ cách mạng; đi sâu tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước từng bước đi vào cuộc sống.
Đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng 
Cùng với truyền thống hào hùng của ngành Tuyên giáo cả nước, gần 77 năm qua, với các tên gọi khác nhau như: Ty Tuyên truyền, Ban Huấn luyện, Ban Huấn học, Ban Tuyên huấn, Ban Tuyên giáo, công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh đã bám sát thực tiễn, tuyên truyền chủ trương, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng, những chủ trương, giải pháp sáng tạo của địa phương trong từng thời kỳ cách mạng, tạo được sự đồng thuận cao trong Đảng và xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, các ban, ngành thuộc khối Tuyên giáo đã bám sát nhiệm vụ cách mạng qua các thời kỳ, góp sức cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thời kỳ chống Pháp, ngành Tuyên giáo đã biên soạn nhiều tài liệu tuyên truyền, tài liệu học tập kết nạp Đảng, mở các lớp huấn luyện, học tập ngắn ngày cho cán bộ, đảng viên và cốt cán cơ sở. Cán bộ tuyên giáo đã xâm nhập sâu vào các làng đồng bào dân tộc thiểu số gây dựng cơ sở cách mạng, giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, quan điểm bình đẳng, đoàn kết các dân tộc của Đảng.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cộng tác viên dư luận xã hội năm 2022. Ảnh: Anh Huy
Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiệm vụ công tác tuyên giáo của Đảng được mở rộng. Ban Tuyên giáo tỉnh có các tiểu ban tuyên truyền, huấn học, báo, trường Đảng, giáo dục, văn nghệ... Các thế hệ cán bộ làm công tác tuyên giáo thời kỳ này đã hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử được giao. Thông qua các mặt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tuyên truyền, vận động quần chúng, văn hóa, văn nghệ… đã tạo được sự thống nhất về tư tưởng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; biến chủ trương, chính sách của Đảng, nhiệm vụ chính trị của địa phương thành sức mạnh phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân. Thắng lợi chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có sự đóng góp to lớn của công tác tuyên giáo.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, Gia Lai cùng cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng bộ tỉnh thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là lãnh đạo Nhân dân khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội và giữ vững quốc phòng- an ninh. Ban Tuyên giáo các cấp đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao giác ngộ, lập trường cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; đi sâu tuyên truyền cho cán bộ, Nhân nhân tham gia các phong trào yêu nước, các cuộc vận động khai hoang, phục hóa xây dựng cánh đồng, sản xuất nông nghiệp; phong trào hợp tác hóa; truy quét FULRO; huy động sức người, sức của phục vụ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam…
Hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, cán bộ làm công tác tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở tiếp nối truyền thống, tích cực, chủ động, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngành Tuyên giáo đã chú trọng tham mưu đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; tuyên truyền triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án lớn của tỉnh; tăng cường đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; thường xuyên nắm bắt và kịp thời tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh từ cơ sở trong các lĩnh vực chính trị tư tưởng, tuyên truyền, lý luận, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa giáo, biên soạn lịch sử truyền thống địa phương và các vấn đề dư luận quan tâm. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin, niềm tự hào về Đảng, về đất nước, con người Việt Nam và quê hương Gia Lai; tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong Nhân dân để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới đất nước.
Cùng với những thành tựu đạt được, công tác Tuyên giáo của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục kịp thời. Cụ thể, công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội của các tầng lớp nhân dân có lúc chưa kịp thời; có thời điểm chưa thật sự chủ động trong việc đề ra các giải pháp đấu tranh với các luận điệu phản tuyên truyền, các luồng tư tưởng và hành động sai trái, thù địch; một số khúc mắc về tư tưởng trong Nhân dân chậm được giải quyết. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục quần chúng ở cơ sở “chưa đủ liều” để tạo ra sức đề kháng trong Nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp một số nơi còn thiếu về số lượng, năng lực một số cán bộ còn hạn chế.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp công tác tuyên giáo
Nhiệm vụ đặt ra cho công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh trong thời gian tới là hết sức nặng nề. Phát huy truyền thống 77 năm hình thành và phát triển, khắc phục những khó khăn, hạn chế, thời gian đến, ngành Tuyên giáo toàn tỉnh tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân; chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, khoa giáo, báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại, văn hóa, văn nghệ, nắm bắt dư luận xã hội và góp phần giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề phức tạp, nhạy cảm...
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp công tác tuyên giáo. Đối với điều kiện cụ thể của tỉnh ta, nội dung, phương pháp của công tác tư tưởng phải phù hợp, đa dạng, không nói nhiều lý luận mà cần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, đi thẳng vào các vấn đề cụ thể đang diễn ra tại cơ sở, có người thật, việc thật. Có thể sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, báo viết, báo nói, báo hình, các đội chiếu bóng lưu động, hoạt động văn hóa, văn nghệ, tài liệu…, nhưng quan trọng nhất phải chú ý đến công tác tuyên truyền miệng. Lực lượng làm công tác tuyên truyền miệng là cán bộ của cả hệ thống chính trị, nhưng phải đặc biệt quan tâm đến các đối tượng cán bộ chủ chốt ở cơ sở, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, những cán bộ nghỉ hưu đã nhiều năm gắn bó với phong trào cách mạng của địa phương…
Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức, bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực tham mưu cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp. Tiếp tục thực hiện Quy định số 238-QĐ/TW của Ban Bí thư về Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm, bảo đảm sự phối hợp ngày càng hiệu quả, thực chất.
Đảng ta luôn khẳng định “toàn Đảng, toàn xã hội làm công tác tư tưởng”. Vì vậy, các cấp ủy Đảng phải xem công tác tuyên giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy các cấp; thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các mặt công tác tuyên giáo. Có như vậy, công tác tuyên giáo mới phát huy tối đa hiệu quả, trở thành động lực quan trọng, biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành ý chí và hành động của quần chúng nhân dân.
TỐNG THỚI MỐC
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
 

Có thể bạn quan tâm