Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 29-8 tại TP. Đà Nẵng, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Quan điểm, giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí Trương Thị Mai-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chủ nhiệm đề tài; Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng- Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm đề tài; Trương Quang Nghĩa-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Hà Ngọc Anh-Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ nhiệm Thường trực đề tài. Tham dự Hội thảo còn có đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận các Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực miền Trung và Tây Nguyên và một số nhà khoa học.
Về phía tỉnh Gia Lai, tham dự Hội thảo có đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Đông
Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại Hội thảo, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng-Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm đề tài đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề chủ yếu như: Từ thực tiễn địa phương, đơn vị, chỉ ra nguyên nhân vì sao nhiều vấn đề hạn chế, bất cập đã được nhận diện, nhiều giải pháp đã được đề ra để đổi mới công tác dân vận và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận nhưng chậm thực hiện hay thực hiện không đạt hiệu quả như mong muốn. Đề xuất những quan điểm, định hướng, giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Có ý kiến cụ thể đóng góp cho việc xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng để tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò quan trọng của công tác dân vận trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy “thế trận lòng dân”, “quốc bảo lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào các giải pháp nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng về công tác dân vận như phát huy vai trò của công tác dân vận trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thế trận lòng dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Phát biểu tại Hội thảo, ngoài nội dung tham luận “Những yếu tố tác động và giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số và công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã gửi cho Ban Tổ chức Hội thảo, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Văn Niên tập trung làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến các yếu tố tác động đến công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số và công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, như: Về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên; vấn đề đất đai và phân hóa giàu nghèo; trình độ dân trí và năng lực của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; kinh tế trong vùng dân tộc thiểu số thì nông nghiệp là chủ yếu, chậm phát triển so với tiềm năng, tập quán, thói quen lao động sản xuất chậm được thay đổi, kỹ năng lao động máy móc hạn chế, năng suất lao động thấp…; sự chống phá thường xuyên và quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động…
Đồng chí Hồ Văn Niên phát biểu tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Đông
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề xuất một số giải pháp nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số và công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai như: Cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm, chăm lo đến lợi ích của người dân, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, sắp tới tỉnh sẽ ban hành sổ tay về vấn đề này. Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở mọi thành phần. Phải làm cho dân tin, dân nghe, dân làm theo; tập trung lắng nghe, giải quyết tốt kiến nghị, đề xuất của nhân dân. Nêu cao tinh thần cảnh giác của các lực lượng trước mọi tình huống. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân là người dân tộc thiểu số làm tốt công tác dân vận; chấn chỉnh, nhắc nhở những cá nhân có khuyết điểm trong thực hiện công tác dân vận.
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định, đổi mới công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường phải gắn liền với đổi mới công tác xây dựng Ðảng, xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh. Trong đó, dân vận chính quyền có ý nghĩa quan trọng bởi đây là nơi ban hành, tổ chức thực thi chính sách liên quan đến quyền lợi của người dân, là cầu nối của nhân dân với Ðảng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm công tác cán bộ, tổ chức giám sát để cán bộ hoàn thành tốt chức trách của mình, tôn trọng dân, giữ mối quan hệ tốt với dân, giải quyết các vấn đề bức xúc trong cuộc sống của nhân dân. Ðây chính là cơ sở để phát huy sức mạnh lòng dân, tạo thế trận đoàn kết toàn dân vững chắc.
Nguyễn Đông

Có thể bạn quan tâm