"Đối phó" với tật cận thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Nếu phát hiện con bạn nhìn không rõ, nhìn mờ, nhìn hay nghiêng đầu và nheo mắt; lúc đọc hoặc viết thường cúi sát xuống bàn học hoặc sách, vở; xem ti vi hay chớp mắt, dụi mắt nhiều hơn mức bình thường..., các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa mắt và bệnh viện để được khám, đo thị lực… nhằm kịp thời phát hiện tật cận thị, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập cho trẻ”-Thạc sĩ Phạm Thanh Dũng-Trưởng khoa Mắt, Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội khuyến cáo.

Theo Thạc sĩ Dũng, so với các tật khúc xạ thì tật cận thị thường gặp nhất. Cận thị cũng nguy hiểm hơn so với loạn thị và viễn thị vì nó phát triển cộng dồn; trung bình mỗi năm tăng từ 0,5 đến 1 độ và gây nên cận thị nặng cho trẻ. Cận thị không được điều chỉnh là một trong 5 nguyên nhân chính dẫn đến mù lòa. Trẻ càng nhỏ bị cận thị càng sớm thì biến chứng càng cao. Có thể gặp các biến chứng do cận thị nặng gây ra như bong võng mạc, thoái hóa võng mạc có thể gây mù.

 

Các tật khúc xạ đang ngày càng gia tăng ở lứa tuổi học sinh. Ảnh: K.N.B

Cận thị gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và học tập của trẻ và thậm chí đến việc tham gia một số ngành nghề về sau. Cận thị nếu không được phát hiện sớm khiến trẻ nhìn mờ, nhìn không rõ chữ, hạn chế tầm nhìn về lâu dài không chỉ khiến kết quả học tập của trẻ giảm sút mà còn khiến trẻ thiếu tự tin trong tham gia các hoạt động nhóm.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị cận thị, trong đó việc học tập và sinh hoạt thiếu khoa học là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến gia tăng tình trạng cận thị ở lứa tuổi học sinh. Ngoài ra, việc cho trẻ tiếp cận sớm, thường xuyên với các thiết bị điện tử, máy tính, xem ti vi ở cự ly gần và không đúng tư thế; học tập với cường độ cao, môi trường thiếu ánh sáng, tư thế ngồi, bàn ghế không phù hợp… khiến cho mức độ cận thị tiến triển nhanh hơn. Chưa kể bố mẹ bị cận thị thì rất dễ di truyền cho con. Trẻ sinh thiếu tháng nhẹ cân và hầu hết trẻ sinh ra với cơ thể dưới 2,5 kg thì đến tuổi thiếu niên đều bị cận thị.

“Nếu phát hiện con bạn có dấu hiệu bị cận thị thì cần cho trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa mắt để được khám và điều trị thích hợp. Khi xác định trẻ đã bị cận thị thì cần phải đeo kính đúng độ và thường xuyên đưa mắt về chính thị. Việc tái khám định kỳ 6 tháng/lần là rất cần thiết nhằm phát hiện xem trẻ có tăng độ hay không để có sự điều chỉnh kính thích hợp”- Thạc sĩ Dũng khuyến cáo.

Theo Thạc sĩ Dũng, hiện nay, nhiều người có quan niệm rằng chỉ cần mổ cận là hết, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời để khỏi đeo kính và chỉ nên thực hiện với những người cận dưới 5 độ, còn trên 5 độ thì có thể có biến chứng. Việc đã mổ cận nhưng sau một thời gian vẫn bị cận trở lại là hoàn toàn có thể xảy ra. Phòng tránh cận thị là việc nên làm thường xuyên.

Những người đã bị cận thị nên hạn chế xem ti vi và làm việc với máy tính cũng như hạn chế đọc sách. Đối với trẻ em, cần bố trí thời gian sinh hoạt, học tập thích hợp; cần cho trẻ sinh hoạt ngoài trời hàng ngày để tiếp xúc nhiều với ánh nắng và để mắt được điều chỉnh cho thích hợp với môi trường. Vào mỗi đầu năm học, các trường học cần tổ chức khám mắt cho học sinh. Về phía gia đình, phụ huynh cũng cần quan tâm, bổ sung chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và cho trẻ khám mắt định kỳ kịp thời phát hiện các tật khúc xạ để điều trị thích hợp.

Như Ý

Có thể bạn quan tâm