Đội quân tóc dài: Chuyện người trong cuộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đội quân tóc dài là cách gọi chung cho các phong trào đấu tranh chống đế quốc Mỹ của phụ nữ và khởi nguồn từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ vào những năm 60 của thế kỷ trước. Sau này, phong trào lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đội quân tóc dài cùng với các lực lượng đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù.
Vững chí, bền lòng
Nhớ lại những năm tháng hào hùng đã qua, bà Đinh Thị Kim Sơn (tổ 10, thị trấn Kbang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) không khỏi bồi hồi. Bà sinh ra và lớn lên ở vùng căn cứ cách mạng, có anh trai tham gia lực lượng du kích địa phương, chị gái làm giao liên nên tinh thần đấu tranh chống kẻ thù xâm lược đã hun đúc trong bà từ nhỏ. Chứng kiến nhiều đợt càn quét, khủng bố dã man của kẻ thù, rồi cảnh chúng bắt thanh niên đi lính, buộc phụ nữ phải cà răng nếu không sẽ quy vào tội theo Việt cộng, bà quyết rời làng đi theo cách mạng. Năm 1960, bà gia nhập Đội văn công của tỉnh.
“Nửa đêm, mẹ tiễn tôi đi. Mẹ khóc và dặn đi dặn lại rằng: Con đi đừng có ngoái đầu nhìn lại, cũng đừng có về, nếu không địch nó biết nó giết cả nhà, cả làng mình. Rồi mẹ giúi vào tay tôi một bộ quần áo đã sờn rách, bảo mang theo để phòng khi lạnh”-bà Sơn rưng rưng kể.
Những lúc nhớ làng, nhớ gia đình, cô gái 16 tuổi chỉ biết ôm bộ quần áo sờn rách của mẹ vào lòng để có thêm động lực tiếp tục mang tiếng hát, điệu múa phục vụ bộ đội và người dân. Nhiều đêm, công tác chuẩn bị đã hoàn tất nhưng chưa kịp biểu diễn đã phải dọn dẹp sân khấu bởi có tin địch đang đến gần. Những đêm không biểu diễn, các văn công trong đoàn tham gia cùng bộ đội đi tải lương thực từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định lên.
Bà Sơn kể: “Năm 1962, 4 chị em chúng tôi nhận lệnh tham gia cõng gạo từ Quảng Ngãi lên. Đi được nửa đường, chúng tôi gặp phải máy bay địch thả bom. Tôi và 1 chị nữa may mắn núp vào 1 hang đá nên thoát chết. Khoảng 1 giờ sau, khi máy bay địch rút hết, chúng tôi mới bò ra khỏi hang, ra ám hiệu tìm đồng đội nhưng chị Klok đã hy sinh. Sau khi nhờ du kích địa phương giúp chôn cất, chúng tôi lại tiếp tục cõng lương thực tiến về phía trước”.
“Vậy điều gì khiến các cô sợ nhất trong những năm tháng ấy?”. Trước câu hỏi của chúng tôi, bà Sơn khẳng khái: “Chết chúng tôi không sợ nhưng nói thật là sợ bị địch bắt. Bởi khi đó, chúng có nhiều cách tra tấn vô cùng dã man, tàn độc”.
Bà Đinh Thị Kim Sơn (thị trấn Kbang) vui vẻ với công việc vườn tược lúc tuổi già. Ảnh: Phương Dung
Bà Nguyễn Thị Mỹ (số 07 Nguyễn Du, TP. Pleiku) cũng là một thành viên trong đội quân tóc dài. Với bà, đội quân tóc dài trong những năm chống Mỹ là hình ảnh những người phụ nữ phía trước ngực địu con nhỏ, phía sau lưng gùi hàng chục ký lương thực, đạn dược băng rừng, lội suối trong đêm. Đó còn là hình ảnh những chị, những mẹ vừa địu con, vừa trồng mì, trồng lúa, khi lại giã gạo thâu đêm, suốt sáng... 
Bà Mỹ trải lòng: “Năm 1973, tôi được Ban Chấp hành Phụ nữ tỉnh phân công quay trở lại phụ trách công tác phụ nữ ở khu 10. Hành trang mỗi khi về làng ngoài 1 chiếc ba lô trên lưng, 1 bi đông nước bên hông, 1 ruột ghé gạo đeo chéo, phía trước ngực là đứa con mới tròn tuổi, bên tay dắt theo đứa hơn 3 tuổi. Ba mẹ con cứ thế băng rừng, lội suối từ làng này qua làng khác, có khi đi bộ cả ngày đường”.
Gian khổ là thế nhưng chưa bao giờ bà Mỹ chùn bước. Thậm chí, bà luôn nói rằng sẽ không bao giờ quên được những năm tháng ở Khu 10, bởi nơi đó bà đã trưởng thành và vinh dự trở thành đảng viên cộng sản. Cùng ăn cơm bốc, cùng uống nước suối, cùng lên rẫy trỉa bắp, trồng mì, cùng gùi nước, giã gạo … bà nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống dân làng và được bà con tin tưởng, quý mến. Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, bà vừa làm, vừa tuyên truyền, vận động đồng bào tin theo Đảng, tin theo cách mạng, cho con cái đi bộ đội, tham gia du kích để cầm vũ khí đánh đuổi quân thù; người ở lại thì tích cực lao động sản xuất, tiếp ứng lương thực khi cần.
“Tuyên truyền hôm nay chưa đủ, ngày mai tôi lại đi vận động tiếp. Cứ thế, dân làng hiểu và tin theo. Nhiều gia đình dù cuộc sống còn nghèo khổ nhưng vẫn sẵn sàng hỗ trợ gạo, rau. Rồi nhiều cánh đồng bỏ hoang đã được bà con dọn dẹp, bắt tay vào sản xuất. Có thời điểm, chúng tôi vận động chị em trong 10 ngày giã xong 7 tấn lúa để tiếp tế lương thực cho tuyến đầu”-bà Mỹ nhớ lại.
“Chúng ta không có sợ”
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005) mặc dù không nhắc đến cụm từ “đội quân tóc dài”, nhưng lại có rất nhiều sự kiện nói về sự kiên cường, gan dạ của người phụ nữ trong chiến đấu lẫn trong lao động sản xuất: “Trong năm 1967, 19 chị du kích các xã thuộc khu 4 (huyện Ia Grai) đã tham gia đánh 12 trận, tiêu diệt 77 tên địch và 13 xe cơ giới. Năm 1968 ở khu 4, cán bộ xã đội là nữ chiếm 22%, nữ du kích xã chiếm 18%, nữ du kích thôn chiếm 42%, nữ dân quân chiếm 45%...”.
Sử sách cũng nhắc đến người phụ nữ Jrai Siu Hgoch (làng Grang, xã Ia Pia, huyện Chư Prông) khi đưa bộ đội qua gần đồn địch để vào vị trí ém quân, con khóc sợ làm lộ lực lượng, chị đã bịt mũi cháu bé. Khi mọi người an toàn đến vị trí tập kết thì con chị đã qua đời. Hay những chị em phụ nữ làng Nú, làng Maih, làng Grít (xã B6); làng Thông Yố (xã B7) của khu 4 đã vận động hàng trăm dân vệ, bảo an bỏ hàng ngũ địch mang súng về nộp cho cách mạng…
Bà Rơ Chăm H’Yéo-Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh kể về tinh thần anh dũng của quân và dân khu 4. Ảnh: Phương Dung
Bà Rơ Chăm H’Yéo-Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh kể cho chúng tôi nghe trận đánh Tết Mậu Thân 1968. Khi đó, bà H’Yéo là chiến sĩ Đại đội 31 thuộc Huyện đội khu 4 nhận nhiệm vụ cùng đồng đội tham gia bảo vệ an toàn cho đoàn người, chủ yếu là phụ nữ mang theo băng rôn, khẩu hiệu tiến về thị xã Pleiku để mít tinh chào mừng giải phóng.
Bà H’Yéo chia sẻ, lúc bấy giờ, đoàn đi có khoảng 50 người của các xã: B5 (xã Ia Sao), B6 (xã Ia Hrung), B7 (xã Ia Pếch) xuất phát từ rất sớm. Khi đoàn người xuống tới khu vực đồi Pháo binh (nay là Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) thì bất ngờ từ phía dưới địch nã đạn, pháo lên. Một số chị cầm băng rôn, khẩu hiệu đi đầu bị trúng đạn. Những chị phía sau tiến lên thay thế cầm băng rôn, khẩu hiệu tiếp tục hướng về trung tâm. “Khi gần đến khu vực Trường THPT chuyên Hùng Vương bây giờ thì số người thương vong khá nhiều, một số người bị địch bắt, trong đó có Huyện đội trưởng khu 4”-bà H’Yéo kể.
Mặt trời gần đứng bóng, đoàn người chỉ còn lại hơn 20 người men theo đường rừng, vừa đi vừa tránh máy bay địch quần thảo trên đầu để tìm đường về làng. Phải mất mấy ngày ăn củ mì sống, uống nước suối, đoàn người mới về đến nơi.
“Số người chết, người bị thương, bị bắt khá nhiều nhưng điều đáng nói là không một ai sợ hãi hay lùi bước. Đứng trước dân làng, chị Phyơng-Hội trưởng Phụ nữ xã B6-nói: “Tất cả anh chị em hôm nay mình làm chưa được, ngày mai chúng ta làm tiếp, chúng ta không có sợ!”-bà H’Yéo nói đầy khâm phục.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm