Đổi thay Hà Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Con đường liên xã nối từ Đak Sơ Mei đến Hà Đông (huyện Đak Đoa) phẳng lì, phảng phất mùi hăng nồng của lớp nhựa bê tông còn mới nguyên. Các tuyến đường đi qua làng Kon Jôt, Kon Nat, Kon Pơ Dram hiện đã và đang thi công; hệ thống kênh mương, đập thủy lợi phục vụ tưới tiêu, hệ thống điện, nước sinh hoạt cũng được nâng cấp và làm mới... Chính điều này đã làm thay đổi diện mạo của một xã nổi tiếng là vùng khó.

Bộ mặt nông thôn xã Hà Đông ngày càng khởi sắc.

Khởi sắc nhờ nông thôn mới

Nằm cách TP. Pleiku chỉ gần 70 km nhưng trước đây để đến được với xã Hà Đông thì phải mất hơn 1 buổi, nhiều hơn nữa là 1 ngày hay thậm chí phải quay trở về vì đường rất khó đi. Chỉ sau một cơn mưa thì tuyến đường độc đạo này bị chia cắt hoàn toàn bởi những ổ trâu, ổ voi, bởi sình lầy và sạt lở, nếu đi công tác bằng xe máy vào đây lỡ gặp mưa thì chỉ có nước... chờ 2-3 ngày đường khô mới ra được, việc ngủ ở lại làng cũng là chuyện thường xuyên.

Thế nhưng trong 3 năm trở lại đây, từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện đã biến một xã khó khăn nhất của huyện Đak Đoa như Hà Đông dần khởi sắc, “thay da đổi thịt” từng ngày. Đời sống người dân từng bước được nâng lên, đáng khích lệ nhất là trong năm 2014 xã này có đến 66 hộ thoát nghèo.

 

Một góc làng Kon Sơng Lôk, xã Hà Đông.

Phấn khởi với niềm vui này, ông Y Djit-Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Những năm gần đây, đặc biệt là năm 2014, xã được tỉnh quan tâm đầu tư nhiều công trình xây dựng cơ bản tại địa bàn. Cụ thể: tuyến đường liên xã Hà Đông-Đak Sơ Mei có tổng chiều dài 9,5 km, kinh phí thực hiện hơn 16 tỷ đồng; trục lộ chính từ làng Kon Mah Har đến UBND xã dài 533 mét với kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng; các tuyến đường liên thôn, nội thôn qua các làng cũng đang được đẩy nhanh tuyến độ thi công.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Y Djit, đến nay xã đã nhận bàn giao và đưa vào sử dụng nhiều công trình như: cầu treo làng Kon Ma Har, đập thủy lợi Đak Bok Lak, Đak Pơ Nuk; 3 nhà công vụ cho giáo viên trường mẫu giáo, trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Hà Đông và THCS Trần Kiên; phân hiệu trường mẫu giáo làng Kon Ma Har, Kon Pơ Dram, Kon Nak; phân hiệu trường tiểu học làng Kon Jôt, Kon Sơng Lôk; trụ sở làm việc của UBND xã, nhà ăn học sinh bán trú... Ngoài ra, xã cũng đang vận động các hộ dân hiến đất để tiếp tục triển khai xây dựng công trình thủy lợi, mở rộng đường; giãn dân khu trung tâm hành chính xã.

 

Nhiều tuyến đường liên thôn, nội thôn cũng được bê tông hóa phẳng lỳ.

Bên cạnh đó, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, khám-chữa bệnh cho người dân trên địa bàn cũng được các cấp chính quyền xã đặc biệt quan tâm,  công tác xóa đói giảm nghèo và các chính sách về an sinh xã hội cũng được chỉ đạo triển khai thường xuyên. Trong năm 2014, xã đã thực hiện cấp phát bổ sung 3.620 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; xây dựng 6 căn nhà mới cho người có công với cách mạng, xây nhà cho 4 hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ bỏ tà đạo “Hà Mòn” ở làng Kon Ma Har.

“Miền ngược theo kịp miền xuôi”

Để Hà Đông phát triển hơn trong thời gian tới, Bí thư Đảng ủy xã Y Djit cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện các mô hình khuyến nông như mô hình nuôi dê Bách Thảo, nuôi con dúi; nhân rộng mô hình vườn ươm cây giống bời lời, mở rộng diện tích trồng cây bời lời... Bên cạnh đó là khuyến khích trồng các loại cây ngắn ngày như mì, đậu đỗ, bắp nhằm đảm bảo nguồn thu nhập trước mắt. Với việc đưa vào sử dụng hệ thống thủy lợi phục vụ cho việc tưới tiêu đồng ruộng, chính quyền xã tiếp tục vận động người dân khai hoang đồng ruộng, mở rộng diện tích đất ruộng 2 vụ và sản xuất hết diện tích lúa nước, giảm diện tích lúa rẫy.

 

Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang thăm và tặng quà cho bà con làng Kon Pơ Dram.

Cùng với những kế hoạch dài hạn trên, UBND xã sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông của huyện mở các lớp tập huấn khuyến nông, hội thảo đầu bờ; cử cán bộ, hội viên tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, thực hiện tốt các mô hình khuyến nông; mở các lớp đào tạo ngắn hạn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thanh niên, người dân trên địa bàn; vận động người dân chuyển sang trồng rừng thay thế và hỗ trợ giống, kỹ thuật cho các hộ dân trên địa bàn chuyển đổi đất trồng mì bạc màu sang trồng cây nguyên liệu. Đến nay đã có 6 hộ dân làng Kon Nat, Kon Ma Har trồng thí điểm hơn 4,4 ha cây keo lai.

Ngoài ra, trong công tác quản lý về tôn giáo, Đảng ủy xã Hà Đông còn tăng cường tuyên truyền, đấu tranh vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm tái hoạt động tà đạo “Hà Mòn”; tiếp tục  hỗ trợ các hộ đã từ bỏ tà đạo “Hà Mòn” làm nhà ở, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống...

 

Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang trong chuyến đến thăm và làm việc với xã Hà Đông. Ảnh: Minh Nguyễn

Chứng kiến sự đổi thay từng ngày trên quê hương Hà Đông, già làng Đinh Đăm-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông-cho biết: Làng Kon Sơng Lôk cũng như xã Hà Đông là một trong những vùng căn cứ cách mạng của tỉnh. “Giờ đây làng được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm, tổ chức thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ bà con sản xuất, chăm lo và tạo điều kiện để người dân có cuộc sống ấm no, hỗ trợ thoát nghèo giúp người dân miền ngược theo kịp miền xuôi. Bà con ở đây ai nấy đều rất phấn khởi, quyết một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ”.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm