"Đòn bẩy" giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc đem lại hiệu quả thiết thực đối với việc phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Thay da đổi thịt” ở huyện nghèo

Huyện Krông Pa có 14 xã, thị trấn thì có đến 8 xã đặc biệt khó khăn. Krông Pa còn là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao. Thế nhưng 5 năm trở lại đây, đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4-5%/năm. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo là 50,43%, đến cuối năm 2014 giảm còn 32,03%. Đến đầu năm 2017, toàn huyện còn 6.070 hộ nghèo, chiếm 34,1% và 2.134 hộ cận nghèo, chiếm 11,99%, giảm 6,13% so với năm 2015 (theo tiêu chí nghèo đa chiều).

 

Các dự án định canh, định cư đã làm thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS về tập quán sinh hoạt, sản xuất.                                                                    Ảnh: B.N
Các dự án định canh, định cư đã làm thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS về tập quán sinh hoạt, sản xuất. Ảnh: B.N

Để có được kết quả đó, huyện đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo dành cho vùng đồng bào DTTS… Đặc biệt, huyện chú trọng định canh, định cư cho đồng bào DTTS. Từ năm 2000 đến nay, có 7 điểm dân cư thuộc khu vực khó khăn chuyển đến nơi ở mới; hàng chục ngàn hộ gia đình ổn định chỗ ở, phát triển sản xuất. Hiện 100% thôn, buôn trên địa bàn đã được định canh định cư một cách bền vững, đồng bào đã “an cư lạc nghiệp” để phát triển kinh tế-xã hội.

Giống như Krông Pa, huyện nghèo Kbang những năm gần đây cũng có nhiều đổi thay. Năm 2011, huyện có hơn 51% hộ nghèo thì đến năm 2016 giảm còn 26%, bình quân mỗi năm giảm gần 6%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 20 triệu đồng/năm, tăng hơn 2 lần so với năm 2011.

Các chương trình, dự án về xóa đói giảm nghèo và đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện triển khai đồng bộ; tích cực hướng dẫn người nghèo, đồng bào DTTS cách làm ăn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào thực tế có hiệu quả. Việc cấp không thu tiền các mặt hàng cây-con giống, phân bón… luôn kịp thời, đúng đối tượng. Các chính sách tín dụng ưu đãi cũng được triển khai kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất-kinh doanh của hộ nghèo. Các nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình, dự án… được triển khai sát với tình hình thực tế của huyện, trở thành “đòn bẩy” giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Chung tay đẩy lùi nghèo khó

Nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc nên thời gian qua vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã có chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, bình quân giảm 4-5%/năm. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 27,56% thì đến cuối năm 2015 giảm còn 19,71% và cuối năm 2016 chỉ còn 16,55% theo tiêu chí nghèo đa chiều. Tư duy, cách thức làm ăn của các hộ đồng bào DTTS đã có nhiều thay đổi, 100% làng đồng bào DTTS được định cư, các hộ thiếu đất sản xuất cơ bản được giải quyết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Giảm nghèo tỉnh Kpă Thuyên cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững, các chính sách hỗ trợ kinh tế cho đồng bào DTTS để cải thiện điều kiện sống, giúp người nghèo, đồng bào DTTS tiếp cận thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội. Tỉnh ưu tiên đầu tư cho 4 huyện nghèo: Kông Chro, Kbang, Krông Pa, Ia Pa và các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Từ đó đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, cải thiện đời sống, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn làng đặc biệt khó khăn.

Tuy vậy, Gia Lai vẫn là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo khá cao và số hộ nghèo tập trung chủ yếu ở đồng bào DTTS với 83,56% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Vì vậy, tỉnh xác định cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng mục tiêu giảm nghèo bền vững, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS đến các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân nhằm làm chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, đồng bào DTTS; vận động nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ  của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả…

Bích Nga

Có thể bạn quan tâm