Đơn giản hóa thủ tục liên quan đến cơ sở khám-chữa bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định liên quan đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, đối với các thủ tục về cấp phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh theo phương án đơn giản hóa vừa được phê duyệt, Chính phủ kiến nghị sửa đổi Khoản 1 Điều 46 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 theo hướng: bỏ yêu cầu bắt buộc cơ sở khám chữa bệnh phải cung cấp ''Bản sao có chứng thực quyết định thành lập đối với cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài'' và ''Bản sao có chứng thực chứng chỉ hành nghề của tất cả người hành nghề và hồ sơ nhân sự của người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề”. Lý do đơn giản hóa thủ tục này là hiện nay, việc cấp phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện thông qua quá trình thẩm định tại cơ sở nên thay yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực thành bản sao có xác nhận của cơ sở.

Về phân cấp thẩm quyền thẩm định để cấp phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc phân cấp như hiện nay không phù hợp với thực tế nên gây kéo dài thời gian thẩm định, cấp phép hoạt động và từ đó gây lãng phí, tốn kém cho chủ đầu tư. Vì vậy, phương án đơn giản hóa đưa ra kiến nghị sửa đổi Điều 45 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23-11-2009. Theo đó, đối với các Sở Y tế hiện đã đủ điều kiện (về năng lực) thì Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước và tư nhân trên địa bàn quản lý, trừ các bệnh viện của các Bộ, ngành.

Đối với các Sở Y tế hiện chưa đủ điều kiện (về năng lực) thì Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn, trừ các bệnh viện của các Bộ, ngành; Bộ Y tế tiếp tục thẩm định, cấp phép hoạt động cho các bệnh viện tư nhân, trong thời gian này các Sở phấn đấu để tăng cường năng lực (có sự hỗ trợ của Bộ), sau đó chuyển giao Sở Y tế thẩm định và cấp phép hoạt động cho các bệnh viện tư nhân. Giao Bộ Y tế quy định yêu cầu đối với các Sở Y tế đủ điều kiện thẩm định và cấp phép hoạt động cho các bệnh viện tư nhân.

Cũng theo phương án đơn giản hóa, đề xuất sửa đổi Điều 47 Luật Khám bệnh, chữa bệnh theo hướng giảm thời gian thẩm định để cấp phép hoạt động đối đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể, đối với bệnh viện đề xuất giảm từ 90 ngày xuống 45 ngày; đối với phòng khám và trạm y tế từ 90 ngày xuống 30 ngày. Hiện nay, hoạt động thẩm định để cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dựa trên các giấy tờ chứng minh điều kiện do các cơ quan chức năng cấp và thẩm định thực tế các điều kiện tại cơ sở, do vậy việc rút ngắn thời gian phần thẩm định trên hồ sơ là hoàn toàn mang tính khả thi.

Bên cạnh đó, Quyết định cũng đưa ra phương án đơn giản hóa thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người Việt Nam. Trong đó, quy định rõ đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề kỹ thuật viên bao gồm: người tốt nghiệp kỹ thuật viên y, cử nhân sinh học, cử nhân hóa học, cử nhân sinh hóa, dược sĩ đại học, kỹ sư xạ trị. Vì hiện nay một số đối tượng này đã và đang hành nghề kỹ thuật viên nhưng không thuộc đối tượng cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh, ví dụ cử nhân sinh học, cử nhân hóa học ... Ngoài ra, miễn Giấy xác nhận quá trình thực hành đối với những trường hợp có bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2 có tổng số thời gian thực hành quy đổi đủ theo quy định tại Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh do quá trình học bác sĩ nội trú, chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2 đã gắn liền với việc thực hành, vì vậy chỉ cần yêu cầu có đủ thời gian thực hành quy đổi...

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm