Đơn vị nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, người lao động thiệt thòi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đơn vị sử dụng lao động nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) xưa nay đã không còn là chuyện hiếm. Có nơi nợ đọng vài tháng, thậm chí nợ dai dẳng từ năm này sang năm khác mặc dù hàng tháng đơn vị vẫn trích từ tiền lương của người lao động để đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN. Người lao động chủ quan hoặc sợ ảnh hưởng đến công việc nên im lặng chỉ đến khi quyền lợi bị thiệt thòi mới bắt đầu lên tiếng…

Giữa tháng 4-2015 vừa qua, hàng chục lao động trước đây làm việc tại Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Lâm sản Gia Lai (TP. Pleiku) đã tập trung đến Công ty để thể hiện sự bất bình vì Công ty nợ đọng tiền BHXH khiến người lao động (bị Công ty cho nghỉ việc) bị ảnh hưởng quyền lợi khi đến cơ quan BHXH giải quyết các vấn đề liên quan. Theo người lao động, thì hàng tháng, Công ty vẫn trích tiền lương của người lao động để đóng các khoản trên nhưng không hiểu số tiền ấy đi đâu về đâu khi mà cơ quan BHXH cho biết Công ty đã không thực hiện đóng BHXH cho người lao động nhiều tháng qua. Chính vì vậy, việc giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động sau khi mất việc tạm thời chưa thể giải quyết được…

 

Ảnh: Như Nguyện

Nhằm làm rõ vấn đề trên, phóng viên Báo Gia Lai đã có buổi làm việc với ông Trần Ngọc Tuấn- Trưởng phòng Thu-BHXH tỉnh Gia Lai. Ông Tuấn cho biết: Tính đến giữa tháng 4-2015, Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Lâm sản Gia Lai chỉ mới đóng BHXH đến tháng 7-2012. Hiện nay đơn vị này đã ngừng lao động đóng BHXH, không còn lao động tham gia BHXH. Sau khi người lao động làm đơn kiến nghị về vấn đề này, Công ty trên đã chuyển 200 triệu đồng để đóng BHXH và hiện nay vẫn còn nợ đọng tiền BHXH 447 triệu đồng.

Một số người lao động đến cơ quan BHXH giải quyết các chế độ liên quan; mới đầu do không hiểu nguyên nhân nên cứ tưởng cơ quan BHXH gây khó dễ; tuy nhiên sau khi đã được giải thích rõ ràng căn nguyên thì người lao động mới hiểu ngọn ngành do công ty không đóng nộp BHXH nhiều tháng qua mặc dù hàng tháng vẫn trừ trong tiền lương của người lao động đầy đủ. Hiện nay, vì đơn vị sử dụng lao động không chủ động đứng ra giải quyết cũng như không có động thái hợp tác với cơ quan BHXH nên gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc giải quyết quyền lợi cho người lao động. Hiện Công ty này đã đóng cửa…

 

Theo thống kê của BHXH tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 21-4-2015, toàn tỉnh có 237 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH, BHYT, BHTN với số tiền nợ đọng trên 29 tỷ đồng.

Về việc giải quyết chế độ BHXH cho người lao động của Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Lâm sản Gia Lai, ông Đoàn Ngô-Phó Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai nêu ý kiến: Nguyên tắc đơn vị đóng BHXH đến đâu thì giải quyết cho người lao động đến đó. BHXH Gia Lai thường xuyên tăng cường các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng nợ đọng BHXH như triển khai tuyên truyền, vận động sâu rộng đến chủ sử dụng lao động và người lao động, phối-kết hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể tại địa phương có liên quan đề ra các biện pháp đối với những doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng; phối hợp tốt với Tổ công tác liên ngành của tỉnh trong tổ chức thực hiện thu nợ tại các doanh nghiệp; thường xuyên nhắc nhở, gửi thông báo đến đơn vị để đối chiếu số liệu kết hợp tuyên truyền, giải thích… Với những biện pháp cơ bản đó, số thu BHXH năm 2011 trên địa bàn tỉnh đạt 938 tỷ đồng; tỷ lệ nợ đọng chiếm 5,21%; đến năm 2014 số thu lên đến 1.702,3 tỷ đồng và số nợ chỉ còn 3,5%, giảm so với chỉ tiêu của BHXH Việt Nam 1,87% (3,5/5,37%).

Sau khi đã tiến hành các giải pháp cơ bản trên nhưng đơn vị vẫn cố tình dây dưa nợ đọng thì biện pháp cuối cùng là tiến hành các bước theo quy trình khởi kiện đơn vị nợ đọng BHXH. Có thể nói, việc khởi kiện các đơn vị dây dưa, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN đã tạo ra những động thái tích cực. Trên thực tế, một số đơn vị đã chủ động khắc phục nợ đọng sau khi BHXH tỉnh tiến hành khởi kiện. Kết quả trong năm 2014 và đầu năm 2015 Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà Ia Ly đã chuyển trả BHXH, BHYT, BHTN số tiền trên 3 tỷ đồng và Công ty cổ phần Sông Đà 3 chuyển trả BHXH, BHYT, BHTN số tiền trên 12 tỷ đồng.

Việc đơn vị trốn đóng (mặc dù thu đủ của người lao động), hoặc đóng BHXH, BHYT không đầy đủ cho tất cả người lao động trong diện phải đóng BHXH, BHYT ít nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động khiến họ không được giải quyết kịp thời các chế độ BHXH, như trường hợp các công nhân của Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Lâm sản Gia Lai. Chính vì vậy, hơn ai hết, người lao động cần phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình, cần lên tiếng khi đơn vị đã thu đủ nhưng không đóng các chế độ BHXH, hoặc gửi đơn kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để được giúp đỡ và can thiệp kịp thời…

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm