Thời sự - Bình luận

Đồng bào dân tộc thiểu số... chuyển đổi số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Internet, mạng thông tin toàn cầu, cái cửa sổ nhỏ trên màn hình máy tính hay cái smartphone (điện thoại thông minh) mà mở ra với cả thế giới. Nhiều năm trước, đó là chuyện "xa tít mù khơi".

Nay thì khác, không mấy người trong các buôn làng còn lạ lẫm với chuyện đó.

"Thế giới phẳng" đã đến tận những vùng cư dân xa vời dưới những rặng núi già dưới chân Trường Sơn. Chỉ một cái nhấp chuột hay lướt ngón tay là cả kho tàng tri thức, hệ thống tiện ích vô tận đã đến với những người chân lấm tay bùn, những người chỉ quen với rẫy nương, rừng núi...

Nếu hồi mới đầu có internet về với buôn làng thì nhiều thanh niên chỉ biết chat (trò chuyện qua internet), chơi game (trò chơi), tìm bạn qua mạng... Nhưng dần dần, đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là lớp trẻ đã sử dụng internet như một công cụ vô cùng hữu hiệu và biết cách khai thác kho tàng tài nguyên vô tận của mạng thông tin toàn cầu, nhất là các nền tảng mạng xã hội.

Thật vui khi chứng kiến hình ảnh những người nông dân, những thanh niên dân tộc thiểu số vùng sâu ngồi trước màn hình máy tính nhấp chuột, lướt tay mở ra những chân trời mới lạ, ngập tràn thông tin. Internet về với buôn làng, điều đó thật vô cùng ý nghĩa. Đời sống văn hóa, dân trí các vùng sâu, vùng xa không ngừng được nâng lên khi người dân, nhất là giới trẻ được tiếp cận với kho tri thức nhân loại từ các phương tiện truyền thông hiện đại.

Từ đây, cùng với những hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu khác, bộ mặt nông thôn sẽ có thêm nhiều thay đổi khi từ núi rừng xa xôi hẻo lánh người dân mình đã vươn bàn tay khám phá mạng thông tin toàn cầu. Từ internet, nhất là các nền tảng mạng xã hội đã giúp đồng bào quảng bá những hình ảnh của buôn làng mình, tộc người mình ra với mọi miền đất nước, với thế giới bên ngoài.

Mạng internet đã giúp đồng bào có cơ hội giới thiệu những giá trị truyền thống, những bản sắc văn hóa độc đáo, những sắc màu cuộc sống nơi họ sinh sống và quảng bá, phát huy hệ thống tài nguyên du lịch độc đáo và hấp dẫn của các tộc người trên miền cao nguyên.

Chuyện phát triển thương mại điện tử ở miền rừng núi cũng không còn xa lạ. Chúng ta đang được chứng kiến hằng ngày, hình ảnh những chàng trai Ê Đê, Bahnar, Mơ Nông, những cô gái Chu Ru, Mạ, Cơ Ho... "lên sàn" điện tử.

Họ vừa giới thiệu những danh lam, thắng cảnh, những điều hay, nét lạ trong đời sống buôn làng, vừa tranh thủ giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp như cà-phê, hồ tiêu, sầu riêng... cho đến rao bán buồng chuối vừa chín, mớ cá suối mới bắt, bó rau rừng hay những cây măng tươi mẹ già vừa hái từ núi về...

Có thể bạn quan tâm