Đồng bào ở Trường Sơn ăn Tết bằng bánh gạo Đệp Cù Cha

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là tên giống lúa cho hạt màu nâu đen khi tách vỏ gạo đen cườm, nấu lên giữ nguyên màu nhưng hương vị và độ mền dẻo thì không có loại gạo nào sánh bằng. Đệp Cù Cha chỉ trổ bông khi được gieo hạt ở những triền đồi trên dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Đồng bào Pa Kô, Tà Ôi tâm niệm “hạt ngọc” trời ban nên dùng làm nguyên liệu chế biến các loại bánh phục vụ lễ, Tết hoặc nấu cơm tiếp đãi khách quý.
 

Đệp Cù Cha cho hạt màu đen khi lúa ghé bông

Giữa đại ngàn Trường Sơn một buổi chiều cuối tuần êm ả trong màn sương lạnh, chúng tôi được nghe kể về giống lúa lạ kỳ gieo hạt từ tháng 4 đến cuối tháng 11 đầu tháng 12 mới cho thu hoạch… Nhưng tận mắt thấy cây lúa thì chị Kăn Năng ở bản A Đang, xã A Ngo, huyện Đak Rông, tỉnh Quảng Trị lại cười bảo: “Đệp Cù Cha mọc ở lưng chừng núi. Chừ trời tối rồi không lên rẫy được. Muốn đi sáng mai ghé qua nhà miềng dẫn lên!…”.

Núi rừng Trường Sơn sau đêm mưa khoáng đạt, xanh thẳm, chan hòa trong sắc nắng vàng. Chị Kăn Năng vừa dẫn đường vừa giải thích: “Nếp than sở dĩ có tên gọi là Đệp Cù Cha vì theo đồng bào dân tộc Pa Kô từ “Đệp” có nghĩa là nếp còn “Cù Cha” là than. Đây là giống nếp chịu hạn, chịu lạnh nhất đẳng, được trồng với diện tích bằng A Chói (bằng khoảng m2-P.V) trên mỗi triền đồi hoang hoải nắng mưa mà thôi. Do trồng ở núi cao quanh năm sương phủ, đến mùa hạn nắng nứt nẻ đất đai, hạt nếp như được tôi luyện trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt nên người Pa Kô, Tà Ôi gọi là hạt ngọc trời ban”. Mướt mồ hôi trên con đường mòn chỉ vừa người đi dài dằng dặc băng qua khe, suối rồi leo ngược lên ngọn đồi nằm tựa vào đỉnh núi cao sừng sững mới bắt gặp khoảnh rẫy trồng Đệp Cù Cha rộng chưa đầy 200 m2 còn lởm chởm gốc cây lớn, nhỏ bị chặt rồi đốt cháy sót lại từ đầu mùa rẫy. Khác tưởng tượng lúc mới khởi hành, loại lúa này mọc lưa thưa, thân cây cao từ 65-70 cm đang bắt đầu vào giai đoạn ngậm sữa. Dù bông nếp than không được dày nhưng những hạt đen tuyền bắt đầu trĩu nặng trên cành.

 

Đồng bào Pa Kô gã gạo Đệp Cù Cha chuẩn bị làm bánh dùng trong cơm mới.

Đem chuyện Đệp Cù Cha ra trò chuyện với Kray Sức-cán bộ văn hóa xã Tà Rụt, huyện Đak Rông thì được ông lý giải, năng suất chỉ bằng 1/5 giống lúa bình thường nên giờ rất ít người trồng Đệp Cù Cha. Đặc biệt, muốn gieo lúa thì khi người Kinh ăn xong cái Tết Nguyên đán, cũng là lúc người Pa Kô, Tà Ôi chọn những triền đồi cao chặt cây, phát sim mua, cỏ dại để làm một cái rẫy. Đợi nắng lên khô hết cây thì quây lại, châm lửa đốt thực bì. Tháng 4 Dương lịch mới đưa hạt giống lên trồng. Đàn ông đi trước dùng cái dùi chọc những cái lỗ trên đất, phụ nữ đi sau tra hạt giống xuống rồi lấp lại.

Qua nửa mùa nắng, nửa mùa mưa chăm sóc, khoảng đến cuối tháng 11 đầu tháng 12 là vào vụ gặt. Mà cũng lạ, giống này mang xuống gieo trồng ở chân ruộng trồng lúa nước là không bao giờ nảy mầm, mọc cây mà phải trồng ở đồi cao, ở lưng chừng núi và dù cho mùa Hè nắng như đổ lửa, mùa Đông rét buốt, sương giá đến mấy thì giống nếp này vẫn phát triển xanh tốt. Lạ nữa là bón phân cho lúa thì đến cuối vụ xem như “gặt lá” chứ chẳng có hạt nào. Không biết có phải do sinh trưởng, phát triển trong điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khắc nghiệt đã tạo nên độ dẻo thơm, giàu chất dinh dưỡng của giống Đệp Cù Cha mà không một giống nếp nào sánh kịp.

 

Trong các lễ hội truyền thống của người Pa Kô, Tà Ôi không thể thiếu các loại bánh chế biến từ gạo Đệp Cù Cha. Ảnh: Bùi Oanh

Hạt gạo đặc biệt này còn là phương thuốc của người Pa Kô, Tà Ôi dùng chữa bệnh đường ruột, dùng cho trẻ nhỏ mới ốm dậy hay phụ nữ sau khi sinh… Cứ thử hình dung một ngày nào đó, đồng bào Pa Kô, Tà Ôi sinh sống trên dãy núi Trường Sơn hùng vĩ này không còn trồng Đệp Cù Cha thì các dịp lễ hội như Puh Boh (lễ giữ rẫy), lễ hội Aya (hội mùa), lễ hội Ariêu Piing (lễ bốc mả) sẽ thiếu đi các loại bánh peng a chooih, peng tamăr, peng a koat, rượu men lá… làm nên nét đặc trưng trong hệ thống lễ hội đồng bào nơi đây.

Mà các loại bánh peng a chooih, peng tamăr, peng a koat chế biến bằng các loại gạo nếp thông thường thì mất đi hương vị đặc trưng. Ngoài ra, trong cuộc sống thường nhật, bếp ăn đồng bào Pa Kô, Tà Ôi luôn hiện diện loại nếp này để đãi khách quý.

Vậy nên vấn đề bảo tồn giống nếp quý cần được đặt ra song hành cùng sự nỗ lực bảo tồn những giá trị văn hóa của người Pa Kô, Tà Ôi.

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm