Phóng sự - Ký sự

Đồng bộ hệ thống thủy lợi vùng Tây Nguyên - Nam Trung bộ - Bài 2: Ngổn ngang nâng cấp hồ, đập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khu vực Tây Nguyên có nhiều hồ, đập thủy lợi được xây dựng từ lâu, trong đó không ít công trình đã và đang xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Trong khi đó, những dự án xây dựng mới hay khôi phục lòng hồ bồi lắng lại chậm triển khai, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế người dân và phát triển kinh tế của địa phương.

Hồ thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) chưa phát huy hết hiệu quả do vướng đất rừng để làm kênh dẫn. Ảnh: TRẦN HÓA

Dự án ì ạch

Tại Đắk Lắk, dự án hồ chứa nước Yên Ngựa, huyện Cư Kuin, được phê duyệt đầu tư vào năm 2018, thời gian thực hiện đến năm 2022. Dự án có 2 công trình hồ chứa gồm hồ Yên Ngựa (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) và hồ Buôn Biếp (xã Yang Tao và Bông Krang, huyện Lắk) với hơn 305 tỷ đồng kinh phí đã được phê duyệt. Được kỳ vọng cấp nước tưới cho 750ha cây trồng, phục vụ sinh hoạt, cải thiện môi trường, góp phần xóa đói giảm nghèo nhưng đến nay dự án hồ chứa nước Yên Ngựa mới chỉ triển khai được một phần nhỏ các hạng mục. Qua ghi nhận, công trình dự án mới chỉ làm sơ phần móng, các khung sắt phần móng được thi công dở dang rồi để đó nên đã hoen gỉ. Tại khu vực lán trại của nhà thầu, máy móc nằm… bất động, không khí công trình yên lặng đến lạ thường. Ông Nguyễn Văn Bắc, thôn 1B, xã Cư Êwy, huyện Cư Kuin, bức xúc: “Người dân rất mong mỏi có dự án thủy lợi để có nguồn nước phục vụ tưới cây trồng, sinh hoạt nên khi nghe dự án triển khai, chúng tôi đồng thuận bàn giao mặt bằng. Vậy mà gần 5 năm, dự án vẫn cứ giậm chân tại chỗ”.

Gần 3 tháng sau sự cố sạt trượt, khu vực dự án hồ chứa Đông Thanh tiếp tục sạt lở ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, đi lại của người dân thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Con đường dẫn vào nơi ở, sản xuất của khoảng 50 hộ dân vẫn đang bị đe dọa sạt trượt dù đơn vị thi công đã đắp đất tại những vị trí đào xới làm lòng hồ. Hồ chứa nước Đông Thanh là dự án trọng điểm của Lâm Hà, có tổng số vốn đầu tư 495 tỷ đồng. Trong đợt khảo sát mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, địa chất khu vực này có một cung sạt trượt và bên hồ chứa nước đang thi công có một số vệt trượt trên núi đã hình thành từ lâu. Khi dự án thi công cùng với nhiều nguyên nhân khác tác động tới, cung sạt trượt này đã diễn ra nhanh hơn, gây thiệt hại về công trình và tài sản của người dân.

Loay hoay nâng cấp

Có mặt tại hồ chứa nước Đạ Ròn (xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), chúng tôi ghi nhận đoạn đập dài khoảng 750m có hàng chục ụ mối chạy dài dọc mái thượng, mái hạ; mặt đập đá cấp phối bị xói lở; lòng hồ bồi lắng từ lâu càng làm ảnh hưởng khả năng tích trữ nước. Tương tự, tại hồ Nam Phương (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) cũng xuất hiện tình trạng sạt trượt mái, thấm, nứt tại khu đập chính; cống lấy nước hiện cũng bị hư hỏng nặng… Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, chỉ tính riêng chi phí nâng cấp, sửa chữa 2 hồ trên đã lên tới 100 tỷ đồng nhưng hiện chưa có nguồn vốn thực hiện. Tỉnh Lâm Đồng hiện có 66 công trình có nguy cơ mất an toàn ở nhiều mức độ khác nhau chưa được nâng cấp sửa chữa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy lợi Đắk Lắk, cho biết, hiện nay đơn vị đang quản lý 345 công trình thủy lợi phục vụ cấp nước cho nông nghiệp. Tuy nhiên, do đa số những công trình được đầu tư xây dựng từ lâu nên có hơn 57 công trình có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Hiện, đơn vị đã xin kinh phí để nâng cấp sửa chữa để đảm bảo nguồn cung cấp nước cho các địa phương. Còn ở Gia Lai, nhiều dự án thủy lợi vẫn chưa phát huy hiệu quả tối đa do thiếu đồng bộ. Điển hình như ở huyện Krông Pa, không thể đưa nước về cánh đồng do thiếu kênh dẫn. Theo ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, trong 10 công trình trên địa bàn, thủy lợi Ia Mlah được thiết kế phục vụ tưới 5.000ha ở 5 xã nhưng hiện công trình chỉ mới tưới cho 3.000ha. Cùng tình trạng, thủy lợi Ia Mơr (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) có mục tiêu tưới 12.500ha cây trồng của 2 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, nhưng cũng mới phục vụ tưới hơn 5.350ha. Theo chính quyền địa phương, nguyên do là vướng chuyển đổi khoảng 10,76ha đất rừng nên chưa thể xây dựng các tuyến kênh dẫn nước vào ruộng vườn. Hiện tỉnh Gia Lai đang phối hợp cơ quan chức năng làm thủ tục trình cấp thẩm quyền xin chuyển đổi phần đất rừng này để làm hệ thống kênh nhánh.

Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng là chủ đầu tư dự án hồ chứa nước Ta Hoét tại thôn K’rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, có tổng vốn đầu tư 981,6 tỷ đồng. Dự án có mục tiêu cấp nước tưới cho 2.080ha lúa, rau màu, cây công nghiệp và nước sinh hoạt cho khoảng 65.000 người dân trong huyện, góp phần tích nước và điều tiết lũ cho vùng hạ du. Thế nhưng, khởi công từ ngày 20-2-2023 nhưng sau nhiều tháng trôi qua, dự án vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Có thể bạn quan tâm