Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Dòng chữ bí ẩn nhất thế giới đã được giải mã

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tiến sĩ Gerard Cheshire từ Đại học Bristol đã giải mã thành công bản thảo Voynich, cho thấy nguồn gốc nhiều từ trong nhóm ngôn ngữ Roman.

“Quá ồn ào”, “trơn trượt” và “mất kiên nhẫn“ là những chú thích cho một cảnh tắm rửa, theo mô tả trên bản thảo Voynich.

Cuốn sách dày 240 trang này được các nữ tu Dominican thực hiện theo yêu cầu từ Nữ hoàng Maria xứ Castille - cô của Nữ hoàng Anh Catherine.

Trong quá khứ, các nhà mật mã học giỏi nhất, bao gồm cả Alan Turing, vẫn không thể giải thích những thông điệp được ghi chép bằng loại mã phức tạp trong cuốn sách Trung Cổ này.

Thiên tài toán học người Anh Alan Turing là người từng giải mã thành công máy Enigma - thiết bị được phát xít Đức sử dụng để mã hoá những thông điệp quan trọng như ý đồ tác chiến, vị trí đặt tàu, thời gian bắt đầu chiến dịch…


 

Alan Turing là một trong những nhà toán học và mật mã học nổi tiếng nhất lịch sử. Ảnh: Britanica.
Alan Turing là một trong những nhà toán học và mật mã học nổi tiếng nhất lịch sử. Ảnh: Britanica.




Tuy nhiên, không phải Alan Turing thuở đó, phải đến ngày nay, nhà ngôn ngữ học Gerard Cheshire mới giải thích được thông điệp bị ẩn giấu. Theo ông, đoạn ghi chép trên không thể giải mã vì nó… không phải mật mã. Thực tế, đó là một phiên bản nguyên thuỷ của những ngôn ngữ thuộc nhóm Roman như tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý.

Tiến sĩ tuyên bố bản thảo Voynich là ví dụ duy nhất cho ngôn ngữ Ischia, một hòn đảo núi lửa ở Vịnh Naples - nơi lâu đài Aragonese của Nữ hoàng Maria toạ lạc.


 

Chân dung tiến sĩ Gerard Cheshire, người giải mã thành công bản thảo Voynich. Ảnh: Academic.
Chân dung tiến sĩ Gerard Cheshire, người giải mã thành công bản thảo Voynich. Ảnh: Academic.



Bản thảo sử dụng ngôn ngữ phát sinh từ sự pha trộn tiếng Latin, hoặc Vulgar Latin, với các ngôn ngữ Địa Trung Hải trong thời kỳ đầu Trung Cổ, sau sự sụp đổ của Đế chế La Mã.

Do đó, loại ngôn ngữ này có nét tương đồng với nhóm Roman, bao gồm tiếng Ý và Pháp. Ví dụ, cụm từ “orla la”, nghĩa là “gần như mất kiên nhẫn”, được sử dụng để mô tả cảnh người mẹ đang tắm cho con có thể là từ gốc của cụm cảm thán “oh la la” phổ biến trong tiếng Pháp.

Tương tự như vậy, cụm “oleios” trong bản thảo gần giống với “olei” - “trơn trượt” trong tiếng Bồ Đào Nha. Trong khi “tolora”, nghĩa là “ngu ngốc”, hẳn có ảnh hưởng đến từ “tozos” của xứ Catalan.

Tiến sĩ Cheshire cho biết: “Thuộc nhóm Roman nguyên thuỷ, bản thảo Voynich là tài liệu duy nhất ghi chép loại ngôn ngữ vốn dành cho người bình dân này”.

 

 Cụm từ được chú thích bên dưới người phụ nữ thứ 2 từ trái qua là
Cụm từ được chú thích bên dưới người phụ nữ thứ 2 từ trái qua là "orla la", nghĩa là "sắp mất kiên nhẫn". Ảnh: Telegraph.



“Tại Ischia, nó được dùng tại các vùng bị cô lập về địa lý và văn hoá, vì vậy được Nữ hoàng Maria sử dụng”, ông cho biết thêm. “Dù bà thành thạo tiếng Latin”.

Giải mã thành công bản thảo đã mở ra cơ hội quan sát cuộc sống hàng ngày của phụ nữ Châu Âu thời Trung Cổ. Ngoài ra, bản thảo còn ghi chép các phương thuốc thảo dược, tắm trị liệu và bài đọc chiêm tinh, chủ yếu về cơ thể và tinh thần phụ nữ, việc sinh sản và nuôi dạy con cái.

Thậm chí, văn bản còn hướng dẫn cách phá thai. Cụm từ “omor néna, nghĩa là “em bé chết”, vẫn còn tồn tại trong tiếng Rumani dưới dạng “omor” - “giết chết”.

Một bản đồ cũng được vẽ lại trong các trang sách, cho thấy chi tiết cuộc giải cứu do Nữ hoàng Maria chỉ đạo. Cuộc giải cứu nhắm tới những người sống sót sau vụ núi lửa phun trào ngày 4/2/1444.


 

Hình vẽ mô tả một người đang tắm, với chú thích
Hình vẽ mô tả một người đang tắm, với chú thích "tu sĩ tắm". Ảnh: Telegraph.


Tiến sĩ Cheshire cho biết đã trải qua khoảnh khắc “eureka” khi giải mã, sau đó là hoài nghi và phấn khích. “Không có gì quá đáng khi nói tác phẩm này đại diện cho một trong những cột mốc quan trọng nhất của nhóm ngôn ngữ Roman”.

Bản thảo Voynich, có niên đại từ giữa thế kỷ XV, được đặt theo tên Wilfrid Voynich - một người buôn sách từ Ba Lan - đã mua nó năm 1912. Hiện bản thảo được lưu trữ tại Đại học Yale, trong thư viện Beinecke dành riêng cho những cuốn sách quý hiếm.

Nghiên cứu trên của Gerard Cheshire được công bố trên tạp chí Romance Studies.

Hữu Chiến (zing/Theo Telegraph)

Có thể bạn quan tâm