Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, các huyện phía Đông tỉnh dịch bệnh bắt đầu xuất hiện trên đàn gia súc và có chiều hướng lây lan nhanh. Các cơ quan chuyên môn vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây dịch bệnh để có phương án phòng-chống hữu hiệu…
Dịch bệnh trên đàn gia súc đã xảy ra gần như ở tất cả các địa phương khu vực phía Đông tỉnh với số lượng gần 500 con. Người dân cho biết trâu, bò, heo có biếng ăn, chân đứng không vững và miệng bị lở loét.
Dịch bệnh đang lây lan nhanh trên đàn heo. Ảnh: Lê Anh |
Dịch bệnh xảy ra trong một thời gian dài nhưng các địa phương vẫn chưa có phương án khoanh vùng dịch, ổ dịch và kịp thời ngăn chặn. Hiện nay chỉ có Trạm Thú y huyện Kbang là đã triển khai phương án phòng-chống dịch, xác định dịch lở mồm long móng diễn ra trên 110 con trâu, bò, đã điều trị cho 98 con trâu, bò bị lở mồm long móng.
Ông Phạm Văn Chương- Trưởng trạm Thú y thị xã An Khê cho biết: “Nguy cơ An Khê xảy ra dịch bệnh khá lớn và phức tạp, là vùng giáp ranh giữa các huyện trong khu vực và tỉnh Bình Định. Ngoài yếu tố lây lan nhanh của bệnh, thời tiết thay đổi, tập quán chăn thả, tình hình buôn bán, vận chuyển gia súc, lén lút giết mổ, phân phối sản phẩm là nguyên nhân làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Dịch bệnh lây lan nhanh nhưng người dân lại giấu bệnh, không báo cáo với cơ quan chức năng để kịp thời có phương án phòng- chống, dập tắt. Không những thế, một số hộ dân đã giết mổ heo bị bệnh bán ra thị trường. Hiện nay, một số địa phương người dân vứt xác heo bừa bãi nơi công cộng, vứt cả trên sông Ba gây ô nhiễm môi trường và làm dịch bệnh có cơ hội lây lan nhanh sang các đàn gia súc khác.
Để kịp thời phòng- chống, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, ngành Thú y và chính quyền các địa phương tại khu vực phía Đông tỉnh cần có những biện pháp quyết liệt hơn, tránh thiệt hại cho người dân.
Lê Anh