Thời sự - Bình luận

Động lực tạo thay đổi trong giáo dục

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những thông tin liên quan đến đối sánh kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT giữa các địa phương có thể còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt nỗi lo về việc chạy theo bệnh thành tích.

Tuy nhiên, trên thực tế điều này tạo nên động lực để các địa phương cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông từ đó nâng cao nguồn nhân lực lao động, nhất là khi việc đối sánh không liên quan đến việc thi đua, xếp loại.

Còn nhớ năm 2020, năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thực hiện đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT các địa phương, Nghệ An lúc đó xếp thứ 38/63. Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh này khi đó xác định nguyên nhân là các huyện miền núi chất lượng giáo dục còn hạn chế nên cần có giải pháp để nâng cao chất lượng. Và Nghệ An đã cải thiện từng bước, đến năm 2021 xếp thứ 34, năm 2022 thứ 23 và đến năm 2023 xếp thứ 22. Đây là một quá trình không hề dễ dàng, là sự cố gắng của học sinh, thầy cô toàn tỉnh. Hay như Vĩnh Phúc có thứ hạng trung bình điểm thi từ năm 2000-2023 lần lượt là (9, 5, 2, 1), Bắc Ninh (26, 19, 6, 5).

Theo Bộ GD-ĐT, việc đối sánh, nhất là đối sánh độ chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi từng môn của học sinh các tỉnh, thành phố trong cả nước có thể gây ra áp lực cho các địa phương hoặc đối sánh tổng điểm 3 môn toán, văn, ngoại ngữ sẽ gây áp lực cho các vùng khó. Tuy nhiên, việc đối sánh này đưa ra những chỉ báo tốt, giúp cho các địa phương, trường học biết được vị trí của mình để không ngừng cải tiến chất lượng giáo dục.

Trong 4 năm qua, việc thực hiện đối sánh đã giúp những người làm giáo dục cũng như xã hội nhận thấy rằng, đây là chuyện bình thường, là cần thiết, giúp cho địa phương, trường học hiểu được thực trạng của mình và học hỏi thành công của nơi khác để cải tiến chất lượng.

Nhìn vào các bảng đối sánh cho thấy một số tỉnh, thành phố có kinh tế phát triển hoặc có truyền thống giáo dục như Bình Dương, Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nam, An Giang, Hải Phòng, TP.HCM, Phú Thọ, Bạc Liêu, Bắc Ninh trung bình điểm thi nhiều năm xếp trong top 10. Tuy nhiên tỷ lệ trúng tuyển đại học năm 2022 của Vĩnh Phúc chỉ đạt 46,6% và Phú Thọ chỉ là 38,4%, chưa bằng trung bình của cả nước (48%). Trong khi, Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa… có thứ hạng trung bình điểm thi thấp nhưng tỷ lệ trúng tuyển đại học rất cao, trên 60%. Như vậy, học sinh các địa phương này chú trọng đến phân hóa nghề nghiệp mạnh hơn, tập trung học các môn toán, ngoại ngữ và các môn trong tổ hợp thi đại học. Hoặc học sinh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa... đi theo hướng giáo dục nghề nghiệp, lao động trực tiếp hay xuất khẩu lao động nhiều hơn.

Cũng qua đối sánh, chúng ta thấy các địa phương miền núi, vùng khó khăn ở vùng núi phía bắc, các tỉnh Tây nguyên (trừ Lâm Đồng) một số tỉnh ven biển miền Trung và vùng ĐBSCL… khó khăn về kinh tế - xã hội, kéo theo khó khăn về giáo dục. Qua đó, không chỉ địa phương, mà nhà nước, Bộ GD-ĐT và toàn xã hội cần hỗ trợ nhiều hơn, hiệu quả hơn cho các địa phương này.

Cũng như chỉ số xếp hạng cải cách hành chính hằng năm, kết quả từ đối sánh kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ giúp những địa phương dạy tốt cố gắng tiếp tục duy trì thứ hạng, địa phương nào chưa tốt sẽ học hỏi và cải thiện từng bước. Không cần kêu gọi, không cần những phong trào thi đua rầm rộ, chính điều này là động lực cụ thể nhất để mỗi địa phương nâng cao chất lượng giáo dục từ đó tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và một thế giới thay đổi khôn lường.

Có thể bạn quan tâm