Thời sự - Bình luận

Động lực thúc đẩy sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nói đến lao động là nói đến quá trình tạo tác (artifact) của con người. Ý niệm của lao động được xem là thuộc tính của con người và đồng thời cũng trở thành một trong những thành tố quan trọng tạo ra thế giới văn minh vật chất của nhân loại. Bởi xét cho cùng, lao động được xem là hoạt động tạo ra của cải vật chất cho xã hội, giúp cho đời sống xã hội phát triển và văn minh hơn.

Cũng như người nông dân trồng trọt trên cánh đồng để có lúa gạo, lương thực, thực phẩm; người thợ thủ công, hay công nhân nhà máy tạo ra các vật dụng cho xã hội tiêu dùng...

Nhìn chung, xã hội chúng ta đang sống có sung túc hay không một phần từ những đôi tay miệt mài, làm việc thầm lặng của người lao động. Ở khía cạnh văn minh của nhân loại, thông qua lao động, người thợ liên tục tìm tòi, sáng tạo ra những dụng cụ, máy móc phục vụ cho việc sản xuất, gia tăng năng suất. Khi làm việc, người lao động phóng chiếu thế giới nhận thức của bản thân lên đồ vật mà mình tạo ra, và như thế sản phẩm trở thành một phần hoạt động sáng tạo của con người. Ở hàm nghĩa này, người lao động không đơn thuần là thao tác giản đơn mà còn là quá trình không ngừng tìm tòi, sáng tạo góp phần nâng cao giá trị sản xuất và phẩm giá của con người.

Ngày nay, nhân loại dường như đang hân hoan với các thành tựu của công nghệ số, với sự tối ưu hóa của hệ thống vận hành tự động, như thể người lao động ngày nay chỉ là thứ yếu trong chuỗi dây chuyền sản xuất. Người lao động đang trở nên thất thế trước hệ thống kỹ thuật số, như thể sự thông minh của máy móc đang tước đi năng lực sáng tạo của con người. Phải chăng đó sẽ là viễn cảnh tương lai của người lao động trong thời kỳ xã hội số. Trong bối cảnh nền sản xuất công nghiệp mang nặng tính gia công như ở Việt Nam, những lo ngại cho viễn cảnh này càng hiện hữu hơn. Người lao động trở nên mong manh trước những thành tựu của khoa học kỹ thuật và tính chất công việc thường ngày.

Một số công trình nghiên cứu về đời sống xã hội gần đây cũng cho thấy năng lực làm việc của công nhân, người lao động đạt ở mức thấp và việc làm trở nên bấp bênh hơn. Bởi, đối với doanh nghiệp, tính hiệu quả, sự tối ưu dây chuyền sản xuất được xem là mối ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, cho dù sự phát triển của công nghệ như vũ bão thì năng lực sáng tạo của người lao động có lẽ chưa bao giờ dừng lại, ngay cả trong chính môi trường làm việc máy móc, tự động hóa cao, người lao động vốn sẵn có năng lực tạo tác đã và đang sáng tạo, tìm tòi, cải tiến không ngừng cho sự phát triển của nền sản xuất. Có chăng là những sáng tạo, thành tựu đó có được ghi nhận và khuyến khích hay không? Sự sáng tạo đôi khi đến từ những điều bình dị như: sáng kiến, cải tiến mang lại hiệu quả, có giá trị làm lợi cho doanh nghiệp, có tinh thần học hỏi cao, nhiệt tình trong đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ...

Giải thưởng Tôn Đức Thắng, dành cho công nhân, người lao động có thể xem là sự ghi nhận thành quả lao động, qua đó khuyến khích, thúc đẩy năng lực sáng tạo không ngừng của người lao động không những góp phần phát triển doanh nghiệp mà còn giúp cho người lao động nhận thức được giá trị bản thân. Từ đó, tạo nên động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo không ngừng của người lao động trong công việc, đời sống thường ngày của đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động TPHCM.

Sự sáng tạo vốn dĩ là thuộc tính của lao động. Con người còn làm việc là còn sáng tạo, còn tạo ra những giá trị hữu ích cho xã hội và luôn biết trân quý công việc của bản thân vì đó là công việc nuôi sống bản thân và gia đình.

PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội
(Dẫn nguồn SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm