Thời sự - Bình luận

Động lực từ lương mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Quốc hội, từ ngày 1-7-2024 sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương.

Đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Động lực từ lương mới ảnh 1

Động lực từ lương mới

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết từ ngày 1-7 tới, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Từ năm 2025, sau khi tiến hành cải cách tiền lương, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh tăng lương, bình quân mỗi năm khoảng 7%.

Chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có những nội dung nổi bật, đơn cử như quy định 5 bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Các bảng lương được thiết kế bằng xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể và mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay, lên mức cao hơn để từng bước tiệm cận với tiền lương khu vực doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định chính sách tiền lương mới sẽ không chỉ tạo động lực làm việc, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mà còn cải thiện đời sống của họ và gia đình. Tuy nhiên, qua thăm dò, đại bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách khấp khởi chờ tăng lương với tâm trạng nửa mừng nửa lo.

Số đông cán bộ, công chức, viên chức cho rằng việc tăng lương chỉ có ý nghĩa khi Chính phủ và các bộ, ngành có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường. Thực tế chỉ ra rằng khi lương tăng là giá hàng hóa lại "té nước theo mưa", điều này khiến đời sống cán bộ, công chức, viên chức không thật sự được cải thiện.

Hiện nay, hệ thống bảng lương của cán bộ, công chức đang áp dụng theo quy định là hệ số lương nhân với mức lương cơ sở. Cách tính như trên không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương và còn thấp do mức lương cơ sở thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, dẫn đến tiền lương của cán bộ, công chức thấp hơn so với khu vực doanh nghiệp.

Hiện nay, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng, chỉ bằng trên 40% mức lương tối thiểu bình quân 4 vùng. Rõ ràng, chế độ tiền lương hiện nay chi trả công chức, viên chức, người lao động còn quá thấp so với nhu cầu xã hội. Đó cũng là lý do nhiều ngành nghề không tuyển dụng mới được người lao động.

Bản chất của tiền lương là cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tiền lương phải tiệm cận với giá trị sức lao động trên thị trường, hướng tới sự công bằng, thực chất. Do vậy, cán bộ, công chức, viên chức mong mỏi chế độ tiền lương cần phải được cải cách tương xứng ngang bằng với mức bình quân chung ở khu vực tư nhân, nhằm thu hút người tài vào cống hiến, làm việc cho nhà nước.

Chính sách tiền lương càng bao quát, toàn diện sẽ là đòn bẩy để tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức.

Có thể bạn quan tâm