Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Dòng sông trôi qua tôi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với những độc giả thường xuyên của Báo Gia Lai Điện tử, Đào An Duyên là cái tên khá quen thuộc trong mảng văn hóa văn nghệ với những bài thơ, tạp bút, tản văn về vùng đất và con người Phố núi.

 

Là giáo viên dạy Ngữ văn, cô giáo Đào An Duyên tìm đến thơ văn như một cách để cảm nhận và sẻ chia những cảm xúc của bản thân. 3 tập thơ lần lượt ra mắt độc giả, rồi thoắt cái, chị lại cho ra đời tiếp tập tản văn “Dòng sông trôi qua tôi”.

 Bìa tập tản văn “Dòng sông trôi qua tôi”. Ảnh: Đ.A.D
Bìa tập tản văn “Dòng sông trôi qua tôi”. Ảnh: Đ.A.D



Tập tản văn có hơn 60 bài viết, có thể chia ra làm 2 phần rõ rệt: phần dành cho Tây Nguyên nơi chị đang sinh sống và làm việc; phần tìm về ký ức nơi miền quê xứ Bắc. Với chị, Tây Nguyên là hiện tại, là niềm yêu của con người được lớn lên trên miền đất đỏ bazan với những cơn mưa dai dẳng thành tràn sông tràn núi, với nắng nóng bụi đường nhuộm quạch đỏ một mùa. “Thứ đất dẻo quánh vào mùa mưa, dính vào quần áo thì thuốc tẩy cũng không tẩy sạch; ấy thế mà lại tinh ra như bột vào mùa khô, thứ “bột đỏ” ấy dày cả gang tay, chỉ một trận gió xoáy ngang qua là tạo thành những “cơn lốc đỏ” (Miền thơm thảo). Tình yêu ấy hồn nhiên và giản dị, chia đều cho từng cánh hoa dã quỳ, loài hoa đặc trưng của Phố núi: “Em cứ rút ruột mà vàng, mà gợi nhớ gợi thương, mà mênh mang bồng bềnh níu chân lãng khách...” (Mênh mang hoa quỳ vàng). Mộc mạc như hoa cà phê cũng hiển hiện một cách giản dị, chân thành khi “Người ta ví mùa hoa cà phê là mùa tuyết trên cao nguyên. Cái vẻ tinh khôi ấy ướp vào không gian một mùi hương dịu dàng, thanh khiết đến mê hoặc, chỉ muốn hít căng lồng ngực cái hương thơm tựa như ban mai trong trẻo” (Tây Nguyên ở phía tháng ba). Không gian dành cho Tây Nguyên trong tập tản văn này rất rộng. Dường như Đào An Duyên “nghiện” Pleiku, nghiện cái sóng sánh của Biển Hồ, nghiện mảnh đất bazan màu mỡ nên luôn có những cái nhìn thật sâu sắc về những điều tưởng như vụn vặt ở chính nơi “đất ở”, chẳng cần phải chờ đến “khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Bởi ngay cả khi ở trong lòng Phố núi, chị vẫn thấy nhớ, vẫn thấy yêu từng góc nhỏ thân thương. 

Bên cạnh đó, một phần tâm hồn của Đào An Duyên luôn dành cho ký ức nơi miền quê hương thơ ấu. Đó là xứ Bắc với những triền sông vàng hoa cải, với những ngày mưa bão chạy lụt, với tuổi học trò xa lăng lắc tay mực tay cặp… Những cái nhìn ấu thơ đọng lại trong các tản văn về gia đình, về người bà gần gũi, về dáng mẹ tần tảo, về người bố quân nhân… Đó còn là những kỷ niệm của một thời thiếu thốn mà mơ mộng: “Thời đi học của chúng tôi thiếu thốn mọi thứ. Quan trọng nhất là sách vở. Sách giáo khoa được mượn từ thư viện nhà trường. Đầu năm xuống đăng ký, ôm sách về bao bọc lại thật cẩn thận. Những quyển sách giáo khoa cũ mèm, có quyển bong tróc, sút gáy, phải lấy đinh đục hai cái lỗ, rồi dùng kim khâu gáy sách lại cho chắc. Quyển nào mất bìa thì dùng tấm giấy cứng tự “vẽ” chữ lên rồi đóng thêm vào” (Chạm vào kỷ niệm).

Đấy là 2 phần nội dung xét về không gian. Còn nếu xét về thời gian, ta cũng sẽ bắt gặp trong tập tản văn “Dòng sông trôi qua tôi” những cảm nhận về mùa thật tươi mới. Ở đó có một Tây Nguyên 2 mùa mưa nắng rõ rệt với những đặc trưng riêng biệt, có một mùa Tết rạng rỡ đan xen từ ký ức đến hiện tại với những cảm nhận khác nhau về Tết Bắc và Tết Tây Nguyên. Ta cũng lại thấy trong tập sách rất nhiều mùa hoa rực rỡ. Dường như Đào An Duyên dành rất nhiều tình cảm cho Tết và hoa qua những trang viết đầy xúc cảm. Chưa kể một mùa đặc biệt nữa nơi Phố núi: mùa sương mù lãng đãng, tạo nên nét trữ tình cho “Dòng sông trôi qua tôi”. Khép sách lại, ta có thể hình dung một dòng sông tâm cảm đã trôi qua tác giả từ ấu thơ đến hiện tại, từ ký ức về miền Bắc xa xôi bên xóm Bờ Sông thắp vàng hoa cải đến Phố núi với dã quỳ quanh quất vàng ruộm nhớ thương… Tất cả tự làm thành một dòng chảy trôi mải miết qua lòng độc giả.

Cũng bởi có đến hơn 60 tản văn dài ngắn chỉ viết về Tây Nguyên và về thơ ấu nên không tránh khỏi việc đôi chỗ có những chồng chéo, lặp lại về cảm xúc. Vẫn có một số tản văn hơi “tham” khi giới thiệu địa lý như một bài báo về du lịch khiến bài viết chưa thật sự rung lên những âm vang cần thiết. Nhưng trên hết, những cảm xúc của Đào An Duyên đã dẫn dắt độc giả về một vùng tâm tưởng thật dịu dàng. Để rồi, đọng lại trong lòng mỗi độc giả chính là những yêu thương, trân trọng của tác giả dành cho ký ức, hiện tại và cho phố nhỏ thân thương.

KIM SƠN
 

Có thể bạn quan tâm