Đồng Tâm hiệp lực xây dựng quê hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ phát huy tinh thần đoàn kết, thôn Đồng Tâm (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương. 
Nỗ lực phát triển kinh tế
Ông Trần Văn Trang tiếp chúng tôi trong căn nhà xây vững chãi. Bao quanh căn nhà là vườn cà phê trĩu quả cùng vườn măng tây xanh tốt. Ông Trang cho biết, gia đình rời quê hương Hà Tĩnh vào Gia Lai lập nghiệp đã hơn 20 năm nay. Nhờ chăm chỉ làm ăn và biết cách chuyển đổi cây trồng phù hợp, gia đình ông đã phát triển diện tích sản xuất lên hơn 4 ha, gồm 3,5 ha cà phê và 6 sào măng tây. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu gần 600 triệu đồng (chưa trừ chi phí).
“Trong 6 sào măng tây có 5 sào chuẩn bị cho thu nên tới đây, thu nhập của gia đình sẽ tăng thêm. Gia đình tôi cũng sẽ chăm sóc vườn cây tốt hơn và kết hợp chăn nuôi để tăng thu nhập”-ông Trang cho hay.
Nhờ trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C, vườn cà phê của ông Nguyễn Bá Long cho năng suất 4 tấn nhân/ha. Ảnh: Hồng Thương
Ông Nguyễn Bá Long cũng được xem là người năng động trong phát triển kinh tế ở thôn Đồng Tâm nhờ biết cách trồng xen cây ăn quả vào vườn cà phê. Bên cạnh đó, ông cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do huyện, xã tổ chức và trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C nên năng suất bền vững, đạt 4 tấn nhân/ha.
“Tôi luôn bón phân, tưới nước, tỉa cành đúng thời điểm, đúng kỹ thuật nên cà phê phát triển tốt. Bên cạnh đó, nhờ trồng xen gần 20 cây sầu riêng nên mỗi năm, gia đình tôi cũng thu được hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 120 triệu đồng”-ông Long phấn khởi nói.
Hiện nay, hầu hết các hộ dân trên địa bàn thôn Đồng Tâm đều biết cải tạo vườn tạp, xen canh và chuyển đổi cây trồng phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Với đặc thù canh tác cà phê là chính, nhiều hộ đã thực hiện tái canh vườn cây (tổng cộng gần 20 ha) và tham gia trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C nên duy trì năng suất 4-4,5 tấn nhân/ha.
Bà Nguyễn Thị Báu-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đồng Tâm-thông tin: “Hiện nay, người dân trong thôn đã phát triển diện tích cà phê lên 234 ha, cây ăn quả 5 ha, hồ tiêu 2,5 ha; nhiều hộ còn chăn nuôi thêm heo, bò. Nhờ đó, thu nhập bình quân của thôn đạt 35 triệu đồng/người/năm. Thôn có 237 hộ nhưng chỉ còn 12 hộ nghèo; có 175 hộ khá và giàu với thu nhập từ 100 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ nhờ đó xây được nhà ở khang trang, mua sắm nhiều vật dụng có giá trị để phục vụ sản xuất và sinh hoạt”.
Chung tay xây dựng làng quê sạch đẹp
Bà Trần Thị Thu Hiền-Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn: “Thời gian qua, hệ thống chính trị thôn Đồng Tâm luôn đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, từ đó đã huy động được sức dân trong phát triển kinh tế và xây dựng thôn ngày càng phát triển. Kết quả này đã góp phần cùng xã duy trì các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao và là tiền đề để xây dựng xã Bàu Cạn thành thị trấn”.

Trò chuyện cùng P.V, anh Trần Văn Hạnh cho biết, đoạn đường trước nhà anh dài 180 m, trước đây là đường đất nên thường lầy lội vào mùa mưa. Đầu năm 2020, không đợi Nhà nước hỗ trợ, anh Hạnh và ông Ngô Như Hiếu (hàng xóm) đã bỏ ra hơn 40 triệu đồng để đổ bê tông một phần đoạn đường với chiều dài 70 m. Ngoài ủng hộ 25 triệu đồng mua vật liệu, thuê nhân công, gia đình anh Hạnh còn tham gia ngày công làm đường.

“Gia đình tôi cũng đóng góp đầy đủ các khoản phí do thôn vận động để xây dựng các công trình khác. Đặc biệt, năm 2020, thôn vận động đóng góp mỗi hộ 300 ngàn đồng để làm đường điện thắp sáng, gia đình tôi đã đóng 2,5 triệu đồng. Tôi nghĩ đây là việc làm ý nghĩa vì giúp cho đường làng ngõ xóm ngày càng sáng đẹp hơn”-anh Hạnh cho hay.

Người dân thôn Đồng Tâm trồng hoa để làm đẹp đường làng ngõ xóm. Ảnh: Hồng Thương
Từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường và các công trình công cộng trên địa bàn thôn lần lượt được “tân trang” nhờ sự đóng góp của người dân. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, người dân trong thôn đã đóng góp hơn 825 triệu đồng và hàng trăm ngày công đổ bê tông 1,68 km đường nội thôn, lắp 52 bóng điện thắp sáng, làm hàng rào và nâng cấp nhà văn hóa thôn, treo cờ, làm con đường hoa và dọn vệ sinh các khu vực công cộng.
Hàng năm, người dân còn đóng góp 15 triệu đồng để chi trả tiền điện thắp sáng đường làng, góp phần giữ gìn an ninh trật tự. Ngoài ra, bà con còn đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh. Vì vậy, Đồng Tâm luôn giữ vững danh hiệu thôn văn hóa trong nhiều năm liền.
Nói về kinh nghiệm vận động, bà Nguyễn Thị Báu cho hay: “Để huy động sức dân xây dựng các công trình công cộng, mỗi lần triển khai phần việc gì, chúng tôi đều tổ chức họp dân để bàn bạc, thống nhất ý kiến và lấy cán bộ, đảng viên làm gương trước, đồng thời minh bạch trong vấn đề tài chính. Nhờ đó, việc vận động người dân trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là xây dựng các công trình chưa có sự hỗ trợ của Nhà nước. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con bê tông hóa các đoạn đường đất còn lại và tham gia tốt các phong trào, hoạt động ở địa phương nhằm xây dựng thôn Đồng Tâm ngày càng phát triển”.
HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm