Kinh tế

Nông nghiệp

Đồng Tháp: Một nông dân sáng chế ra hàng loạt máy nông nghiệp chưa từng có ở Việt Nam, bán ra cả nước ngoài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không học qua trường lớp, anh Nguyễn Thanh Hùng (ngụ ấp 1, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đã sáng chế ra nhiều chiếc máy nông nghiệp hữu dụng, tăng hiệu quả sản xuất, giúp người nông dân nhẹ gánh đôi phần.



Bằng sự đam mê, tìm tòi, sáng tạo, anh Nguyễn Thanh Hùng, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) trở thành “cha đẻ” của hàng loạt máy móc chưa từng xuất hiện trên thị trường như máy tuốt hạt vừng, hạt rau muống, rau đay…

 Sinh ra trong một gia đình nông dân đông con, nghèo khó ở vùng biên tỉnh Đồng Tháp, sau khi học hết lớp 2, cuộc sống gia đình quá khó khăn, Nguyễn Thanh Hùng nghỉ học đi làm thuê.

Nhận thấy công việc làm thuê không thể mang lại cho mình cuộc sống tốt hơn, Hùng đã xin đi học nghề sửa chữa máy móc, vừa để mưu sinh, vừa được học nghề. Tiếp xúc hằng ngày với máy móc, nghề cơ khí trở nên thân thuộc với anh.

 

Dù chỉ mới học hết lớp 2 nhưng anh Nguyễn Thanh Hùng, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) đã sáng chế ra nhiều chiếc máy nông nghiệp hữu dụng, chưa từng xuất hiện trên thị trường như máy tuốt hạt vừng, hạt rau muống, rau đay…
Dù chỉ mới học hết lớp 2 nhưng anh Nguyễn Thanh Hùng, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) đã sáng chế ra nhiều chiếc máy nông nghiệp hữu dụng, chưa từng xuất hiện trên thị trường như máy tuốt hạt vừng, hạt rau muống, rau đay…


Hiểu được nỗi cơ cực của bà con khi chỉ biết lao động tay chân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ý nghĩ tìm cách giúp nông dân bớt cơ cực xuất hiện trong đầu anh.

Bước đầu, anh mua một chiếc máy tuốt lúa cũ, tranh thủ những giờ rảnh rỗi để mày mò, tập thay đổi một số chi tiết để tạo tính năng mới cho máy, phục vụ cho nghề nông.

Mỗi sản phẩm ra đời đều không có bản vẽ chi tiết, cứ làm đến đâu sửa đến đó. “Đâu phải lần một, lần hai mà thành công.

Thất bại kề thất bại. Chỉ một cái tua-vít, con ốc không khớp cũng không được,… đằng này còn phải tùy theo từng loại nông sản mà mình thiết kế cánh quạt, bộ phận điều chỉnh sàng, tách hạt…”, anh Hùng chia sẻ.

Những nỗ lực của Nguyễn Thanh Hùng đã mang về “trái ngọt”. Sản phẩm máy tuốt hạt vừng ra đời với sự ngỡ ngàng cho người dân địa phương bởi công suất chiếc máy giải phóng 70% thời gian, sức lao động cho người nông dân.

Không dừng lại thành công với máy tuốt hạt vừng, anh “kỹ sư” này còn nhạy bén nhận thấy tiềm năng của các cây trồng chịu hạn như rau muống, đậu phộng, bắp lai,… bắt đầu bén rễ ở nhiều nơi và trở thành cây trồng thế mạnh trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.

Anh Hùng cho biết, địa phương có chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả. Tại thời điểm đó, thị trường không có máy tuốt hạt thành phẩm, nông dân vất vả dùng tay để đập, nhất là khi vào chính vụ phải cần nhiều công lao động làm mới xuể.

Thấy vậy, anh nghĩ đến việc chế tạo ra chiếc máy có công năng tuốt hạt để giảm được phần nào sự nhọc nhằn của nhà nông mỗi khi đến mùa thu hoạch.

 

Chiếc máy tuốt hạt vừng của anh Nguyễn Thanh Hùng ngụ ấp 1, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp
Chiếc máy tuốt hạt vừng của anh Nguyễn Thanh Hùng ngụ ấp 1, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp


Nghĩ là làm. Với từng loại cây trồng, anh Hùng nghiên cứu đặc tính, sau đó cải tiến, thay đổi chi tiết, nâng cấp sản phẩm cũ cho phù hợp. Chẳng hạn, với rau muống lấy hạt, kết cấu rau muống mềm, dai và cọng dài khác với thân cây vừng, cây lúa, anh phải chỉnh sửa lại bộ phận thân máy.

Sau thời gian mày mò, chiếc máy tuốt hạt rau muống đã ra đời. Chiếc máy này hoạt động khá đơn giản, nguyên lý tương tự như máy suốt lúa. Những bó rau muống khô sau khi cho vào máy sẽ được sàng lọc tách riêng phần hạt và phần thân.

Là một trong những người tiên phong trồng rau muống lấy hạt, ông Trần Văn Đáng ( xã Thường Phước 1) cho biết, sau 4 tháng canh tác, nông dân thu hoạch với năng suất tầm 300kg/1.000 m2. Trước kia, để tách hạt rau muống thành phẩm, các công đoạn đều phải làm thủ công.

Giờ đã khác, máy tuốt lần một và nông dân chỉ cần làm sơ lại lần hai là bán luôn. Ông Đáng so sánh, với 1.000 m2 trồng rau muống lấy hạt, sử dụng biện pháp thủ công phải mất 15 - 20 ngày mới xong, sử dụng máy tuốt hạt chỉ một ngày là xong.

Sản phẩm máy của anh Hùng giúp nông dân huyện Hồng Ngự được giải phóng sức lao động. Hiện tại, hàng loạt máy móc mang thương hiệu Sáu Hùng đã trở nên quen thuộc ở một số địa phương lân cận. Với giá bán ra thị trường dao động từ 150 - 180 triệu đồng/chiếc, máy nông nghiệp chuyên tuốt hạt vừng, rau đay, rau muống… đang có mặt trên những cánh đồng trong, ngoài tỉnh và cả nước bạn Campuchia.

Ước tính, xưởng cơ khí chế tạo máy Sáu Hùng ở vùng biên của vùng đất Sen Hồng đã cung ứng ra thị trường hơn 500 sản phẩm các loại theo đơn đặt hàng. Doanh thu mỗi năm trung bình đạt từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Từ đây, anh Hùng còn tạo việc làm cho 4 - 5 lao động với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đánh giá, xưởng cơ khí của anh Hùng là một trong những cơ sở đi đầu trên địa bàn huyện về ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp.

Thời điểm địa phương đang thiếu hụt nguồn lao động nông nghiệp, nhất là khâu thu hoạch cây màu, việc ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng là một giải pháp. Hơn thế, những cải tiến mang tính ứng dụng cao sẽ góp phần giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất lao động lên, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền nông nghiệp hiện đại.

Hành trình hơn 10 năm sáng chế máy phục vụ sản xuất nông nghiệp của anh Nguyễn Thanh Hùng đã giúp người nông dân giảm công lao động, rút ngắn thời gian cho một số khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp, qua đó đã giảm được chi phí, tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập.

Năm 2015, sản phẩm máy tuốt hạt vừng của anh Hùng được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cấp giấy chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đoạt giải B Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh lần thứ XIII.

 


Những năm sau đó, những chiếc máy tuốt hạt mè, đậu xanh, đậu phộng cũng được vinh danh ở lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, xây dựng và giao thông vận tải trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh Đồng Tháp. Đây sẽ là động lực để anh tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu ra những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu sản xuất, không chỉ trong khâu thu hoạch mà còn ở các khâu canh tác của nông dân như: máy xuống giống, máy cắt mè, máy tách hạt bắp nguyên vỏ…


http://https://danviet.vn/dong-thap-mot-nong-dan-sang-che-ra-hang-loat-may-nong-nghiep-chua-tung-co-o-viet-nam-ban-ra-ca-nuoc-ngoai-20201108135850922.htm



Theo Chương Đài (TTXVN/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm