Phóng sự - Ký sự

Đồng tiền ảo Bitcoin-Kỳ 6: Đưa bitcoin vào khuôn khổ pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo tiến sĩ danh dự Paolo Bernasconi (Thụy Sĩ) - nguyên cố vấn về phòng chống tội phạm của Liên Hiệp Quốc, đang có khoảng trống pháp lý trong quản lý tiền ảo bitcoin.

Đến nay rất ít quốc gia ban hành luật riêng về bitcoin. Một số nước cấm hoàn toàn hoặc hạn chế sử dụng bitcoin. Phần lớn các nước khác đã suy nghĩ đến việc thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các hành vi sử dụng bitcoin nhằm bảo vệ người sử dụng.

 
10 sàn giao dịch tiền ảo ở Nhật ký thỏa thuận hợp tác chống tội phạm trên mạng.
10 sàn giao dịch tiền ảo ở Nhật ký thỏa thuận hợp tác chống tội phạm trên mạng.

Cấm triệt để và ràng buộc

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã yêu cầu các sàn giao dịch tiền ảo ở Bắc Kinh phải trình kế hoạch chi tiết về việc rời khỏi thị trường tiền điện tử.

Thượng Hải cũng áp dụng biện pháp tương tự. Từ cuối năm 2013, ngân hàng trung ương đã cấm các chi nhánh ngân hàng giao dịch bằng bitcoin.

Các nước Bắc Phi cấm triệt để sử dụng bitcoin. Morocco chính thức cấm các loại tiền ảo như bitcoin từ ngày 20-11-2017. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Abdellatif Jouahri giải thích: "Theo học thuyết kinh tế, bitcoin không phải là tiền tệ".

Tại Algeria, đạo luật tài chính năm 2018 vừa được Tổng thống Abdelaziz Bouteflika ký ngày 27-12-2017 quy định cấm mua bán, sử dụng và sở hữu tiền ảo như bitcoin. Mọi vi phạm sẽ bị trừng trị theo pháp luật.

Thay vì cấm, nhiều nước ban hành quy định ràng buộc để áp thuế. Bốn năm trước, Singapore đã công nhận dùng bitcoin làm phương tiện thanh toán, là hành vi giao dịch thương mại thông thường, song giao dịch bằng bitcoin phải chịu thuế.

Ngày 21-12-2017, Công ty Ducatus Global chuyên "đào" bitcoin đã mở quán cà phê đầu tiên nhận thanh toán bằng bitcoin. Khách có thể dùng điện thoại di động chuyển tiền mặt mua bitcoin để thanh toán.

Cũng như Singapore, Bộ Tài chính Bỉ tuyên bố chính phủ không can thiệp vào giao dịch bitcoin vì nguy cơ đối với ổn định tài chính còn hạn chế.

Trong phạm vi EU, từ tháng 10-2015, Tòa án Công lý EU đã phán quyết bitcoin là tiền ảo và không được xem là tài sản hay dịch vụ nhưng phải chịu thuế giá trị gia tăng.

Mỹ đánh giá tiền ảo như bitcoin không có giá trị pháp lý nhưng hình thành tài sản có thể chịu thuế.

Nhiều thị trường chứng khoán Mỹ như sàn giao dịch chứng khoán điện tử Nasdaq đang rục rịch thành lập sàn giao dịch các công cụ tài chính phái sinh từ bitcoin.

Úc chính thức xác nhận bitcoin được giao dịch như tiền tệ vào ngày 1-7-2017 và không đánh thuế hai lần đối với bitcoin như trước nữa.

Thụy Sĩ đánh giá bitcoin là "tiền ảo với cách sử dụng ngoại lệ", vì vậy được điều chỉnh theo pháp luật về tiền tệ. Việc thực hiện hợp đồng qua bitcoin phải mua bảo hiểm.

Còn tại Anh, tiền ảo đổi lấy các loại tiền thật sẽ không bị áp thuế giá trị gia tăng nhưng hàng hóa và dịch vụ giao dịch bằng bitcoin phải chịu thuế.

 

Quán cà phê đầu tiên ở Singapore chấp nhận thanh toán bằng bitcoin.
Quán cà phê đầu tiên ở Singapore chấp nhận thanh toán bằng bitcoin.

Xóa bỏ ẩn danh

Sau các vụ tấn công khủng bố ở Pháp và Bỉ năm 2015 và 2016, EU muốn kiểm soát bitcoin bằng biện pháp xóa bỏ chế độ ẩn danh nhằm ngăn chặn rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Phải mất hơn một năm tranh cãi do các nước như Anh, Malta, Cyprus, Luxembourg, Ireland lo ngại ảnh hưởng xấu đến kinh tế, giữa tháng 12-2017, Ủy ban châu Âu và các nghị sĩ châu Âu đã nhất trí kế hoạch kiểm soát bitcoin.

Kế hoạch còn phải được các nước EU và các nghị sĩ EU phê chuẩn trước khi có hiệu lực trong 18 tháng tới.

Kế hoạch mới bắt buộc các sàn giao dịch bitcoin phải hoạt động phù hợp với các quy định tài chính, tức phải tuân theo "thủ tục nhận biết khách hàng" (KYC - Know Your Customer). Tình trạng ẩn danh phải chấm dứt.

Các sàn và nhà cung cấp ví tiền điện tử phải nhận dạng người sử dụng. Các sàn sẽ đánh thuế khách hàng sử dụng thẻ trả trước. Chính phủ có thể tiếp cận thông tin liên quan đến người thụ hưởng cuối cùng.

Hàn Quốc cũng muốn xóa chế độ ẩn danh. Trước đây, Hàn Quốc đã cấm các cơ quan tài chính mua bán và sở hữu tiền ảo và cấm các doanh nghiệp phát hành bitcoin. Ngược lại, các giao dịch bitcoin vẫn được phép.

Đến ngày 28-12-2017, Bộ Tư pháp Hàn Quốc thông báo các biện pháp quản lý mới gồm cấm mở tài khoản bitcoin ẩn danh, các cơ quan giám sát có quyền đóng cửa sàn giao dịch và giá trị thặng dư sau khi bán lại bitcoin sẽ bị đánh thuế.

Hàn Quốc chiếm 20% giao dịch bitcoin toàn cầu và có sàn Bithumb là sàn giao dịch tiền ảo nhộn nhịp nhất thế giới. Ước tính gần 1 triệu dân Hàn Quốc sở hữu bitcoin, chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ.

Nhật là quốc gia đi đầu trong việc hợp pháp hóa các loại tiền ảo như bitcoin.

Cuối tháng 5-2016, Nhật thông qua Luật về tiền ảo nhằm chống lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố và bảo vệ lợi ích người sử dụng.

Luật có hiệu lực từ ngày 1-4-2017 công nhận tiền ảo như bitcoin là tài sản có giá được sử dụng, sở hữu và mua bán nhưng tiền ảo không phải là đồng tiền hợp pháp theo pháp luật.

Luật quy định người mở tài khoản tiền ảo phải khai báo nhân thân rõ ràng và đưa ra nhiều quy định ràng buộc các sàn giao dịch tiền ảo.

Tính đến đầu tháng 12-2017, Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật đã cấp phép cho 15 sàn giao dịch tiền kỹ thuật số. Có sàn chỉ được giao dịch bằng bitcoin, sàn khác lại được phép giao dịch với nhiều loại tiền ảo.

Ngày 8-12-2017, 10 sàn giao dịch tiền ảo ở Nhật đã ký "Thỏa thuận về các biện pháp đấu tranh chống tội phạm trên mạng" với Sở Cảnh sát Tokyo.

Theo thỏa thuận đã ký, các sàn giao dịch cam kết hợp tác với nhau và hợp tác với cảnh sát để thông báo các hành vi phạm tội trên mạng, hợp tác điều tra hình sự và chia sẻ thông tin.

Philippines đã xem các loại tiền ảo và giao dịch bằng tiền ảo là hợp pháp. Tháng 8-2017, Philippines đã cấp hai giấy phép đầu tiên cho các sàn giao dịch tiền ảo.

Thay đổi quan điểm

Một số nước đã dần thay đổi quan điểm về bitcoin.

Đầu năm 2014, Ngân hàng Trung ương Malaysia thông báo bitcoin không phải là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp, do đó pháp luật không bảo vệ giao dịch bitcoin.

Đến tháng 11-2017, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Muhammad Ibrahim đã cam kết sẽ ban hành khung pháp lý về tiền ảo.

Trước mắt từ đầu năm 2018, hành vi đổi tiền ảo thành tiền ngân hàng sẽ được điều chỉnh theo luật chống rửa tiền.

Cũng như Malaysia, Thái Lan đã cấm sử dụng bitcoin vào năm 2013 song ba năm sau không còn xem bitcoin là bất hợp pháp nữa mà chỉ cảnh báo người sử dụng cẩn trọng.

Còn Nga từ tháng 11-2016 cũng không xem bitcoin là tiền bất hợp pháp nữa.

Hoàng Duy Long/tuoitre

Có thể bạn quan tâm